Lát sàn bằng gỗ lim ven sông Hương gây 'dậy sóng'

Thứ Bảy, 03/03/2018 13:46  | Hoàng Quân

|

(CAO) Việc thi công lát gỗ lim trên tuyến đường ven sông Hương, TP.Huế trị giá nhiều tỷ đồng đang gây phản ứng mạnh trong dư luận. Chủ dự án, chính quyền, cơ quan chức năng khẳng định vẫn đảm bảo.

Phản ứng việc lát sàn đường ven sông bằng gỗ lim

Dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP.Huế” là thí điểm của Dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, con đường ven sông Hương dài 380m từ cầu Trường Tiền) đến công viên Lý Tự Trọng được lát sàn bằng gỗ lim khiến dư luận “dậy sóng”.

Đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế sẽ đóng cọc bê tông xuống sông Hương, đổ dầm, lòng đường đi bộ được lát sàn bằng gỗ lim.

Dự án gồm các hạng mục: cầu đi bộ, được kết cấu bê tông cốt thép, dài 380m, rộng hơn 6m (tổng cộng 2.443 mét vuông), sàn lát gỗ lim, hệ thống thoát nước; bến thuyền; sân khấu biểu diễn ngoài trời; chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng; bãi đỗ xe; đường dạo nội bộ; hệ thống chiếu sáng; các hạng mục phụ trợ khác...

Theo đó, sàn gỗ lim dày 4cm và có hệ thống khung xương inox để kết nối. Lan can được làm bằng đồng thau cao hơn 1,4m; tay vịn bằng gỗ… Tổng kinh phí dự án là hơn 52,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí hạng mục gỗ lim theo hồ sơ được duyệt là hơn 6,9 tỷ đồng (sau khi đấu thầu thì giảm xuống còn hơn 5,73 tỷ đồng.

Đơn vị thi công đã đóng cọc sắt, bê tông xuống lòng sông Hương

Dự án được người dân đồng tình, ủng hộ và nếu được triển khai sẽ tạo không gian văn hóa, điểm nhấn cho TP.Huế. Tuy nhiên điều đáng bàn luận, gây chú ý là Ban quản lý dự án (BQLDA) công bố việc sử dụng lát sàn gỗ lim trên đường đi bộ.

Trước đây khi công khai quy hoạch và lấy ý kiến về vấn đề này, đã có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng, phản đối cho rằng việc lát sàn gỗ lim là không thích hợp vì đây là loại gỗ quý hiếm nên rất tốn kém, thời tiết ở Huế mưa lũ khắc nghiệt nên nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Điều đáng nói là đường đi bộ được hạ thấp xuống gần sát mặt nước sông Hương và nếu vào mùa mưa thì chắc chắn bị ngâm dưới nước khiến gỗ dễ bị hư hỏng… Một số nghệ nhân nhà rường, nhà nghiên cứu, người dân cho rằng nên lát mặt đường bằng đá giả gỗ thì công trình mới kiên cố, lâu dài trong khi vẫn đảm bảo thẩm mỹ, tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, BQLDA vẫn thống nhất phương án lát sàn đường bằng gỗ lim và hiện đang thực hiện dự án.

Chủ dự án nói gì?

Dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ không hoàn lại 6 triệu USD, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 6-6-2014.

Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA KOICA ngày 2-3 có văn bản số 16/TB-BQLDA thông tin về dự án, cho rằng: “Vừa qua, một số phương tiện thông tin trên mạng, đã cung cấp thông tin không đúng, không đầy đủ về thông tin của dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Dự án thông qua quá trình tư vấn và nghiên cứu của các chuyên gia Hàn Quốc, tiếp thu các ý kiến góp ý của các sở, ban ngành của tỉnh, TP.Huế; các chuyên gia, nhà nghiên cứu và ý kiến nhân dân, du khách. Dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP.Huế” được phê duyệt theo Quyết định số 2578/QĐ-UBND ngày 27-10-2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Phối cảnh đường đi bộ ven sông Hương của dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP.Huế"

Ban QLDA KOICA khẳng định, đây là dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí thông qua KOICA tại Việt Nam và không có bất cứ điều kiện nào kèm theo. Dự án đã thực hiện nhiều công việc: các chuyên gia Hàn Quốc đề xuất ý tưởng về dự án thí điểm và quy hoạch chi tiết; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan liên quan của TP và tỉnh; lấy ý kiến người dân và khách du lịch; tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư (từ ngày 18-9-2015 đến ngày 21-9-2015, thu được 2.405 lượt ý kiến).

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Giám đốc BQLDA KOICA nói rằng: “Rất mong các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí thông tin chính xác, đầy đủ và khách quan, thiện chí về dự án, nhằm tránh hiểu lầm từ đất nước bạn, từ các tổ chức quốc tế (đặc biệt là tổ chức KOICA) đã quan tâm, giúp đỡ và tài trợ không hoàn lại cho dự án và các dự án khác trên địa bàn TP.Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Dự án trăm triệu USD xây trái phép, lấn bờ biển: Sẽ xử lý nghiêm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang