(CAO) Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, qua giám sát trên hệ thống chi phí khám chữa bệnh cho thấy 7 tháng năm 2017 có 1.580 bệnh nhân khám chữa bệnh bình quân từ 8 lần/tháng với 100.855 lượt và số chi phí là 21 tỷ đồng.
Trong đó, 732 bệnh nhân khám chữa bệnh từ 3 cơ sở y tế trở lên với 46.696 lượt khám và số tiền là 10,8 tỷ đồng. Tần suất khám, chữa bệnh tại Bạc Liêu là 2,06 lần/thẻ, cao nhất toàn quốc; tại Đồng Nai là 1,57 lần/thẻ (trung bình toàn quốc là 1,14 lần/thẻ).
Điển hình như bệnh nhân Tiền Văn B., mã thẻ BT2950100800533 khám, chữa bệnh 132 lượt tại 7 cơ sở y tế trong 8 tháng đầu năm, số tiền hơn 30 triệu đồng. Trong tháng 1-2017, bệnh nhân này đi khám 8 lần, riêng ngày 3-1-2017, bệnh nhân khám tại 3 cơ sở gồm Trạm y tế phường 3, Bệnh viện quân dân y tỉnh Bạc Liêu và Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu.
Ngày 13-1 và 23-1, bệnh nhân đi khám tại 2 cơ sở. Trong tháng 3-2017, bệnh nhân đi khám 17 lần. 12 lần đi khám chữa bệnh, bệnh nhân Tiền Văn B được cấp trùng thuốc Methyl prednisolone trong 5 đợt khám; thuốc Omeprazol, Esomeprazole 40, Omemac-20, Esomez, Klamentin 1g trong 3 đợt khám và thuốc Paracetamol 650mg, Hapacol 650 trong 2 đợt khám đều của tháng 2-2017.
Trường hợp bệnh nhân Đoàn Công T., mã thẻ GD4750103400040 khám chữa bệnh 70 lần tại 7 cơ sở y tế khác nhau với số tiền gần 79,7 triệu đồng. Trong đó, có 9 ngày bệnh nhân khám chữa bệnh có chi phí tại 2 cơ sở khác nhau, nhiều lần khám cấp thuốc nhóm thuốc tim mạch, mỡ máu, tiểu đường có giá trị cao như: Nexium Mups, NovoMix, Crestor,… nhiều nhất tại: Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Bệnh viện quốc tế Đồng Nai, Bệnh viện đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần bệnh viện quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - Đồng Nai.
Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, thực trạng lạm dụng quỹ BHYT ngày càng tinh vi và trầm trọng. Theo nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh sử dụng vượt trần quỹ khám chữa bệnh BHYT được giao sẽ phải giải trình về lý do tăng hợp lý để cơ quan BHXH xem xét, làm căn cứ thanh toán.
Tuy nhiên, trong năm 2016, khi quỹ BHYT bội chi khoảng 7.590 tỉ đồng, có nhiều đơn vị có mức chi tăng đột biến đã không giải trình được phần chi này. Kết quả kiểm tra của BHXH Việt Nam vừa qua đã phát hiện một số bệnh viện (Phục hồi chức năng, y học cổ truyền tại Nghệ An) chỉ định 100% bệnh nhân đến khám bệnh vào điều trị nội trú.
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương thực hiện giám định trực tiếp theo đúng qui trình đối với các trường hợp trên, thu hồi các khoản chi không đúng và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương, kiên quyết xử lý tình trạng trục lợi. Bên cạnh đó, tình trạng ngày điều trị kéo dài cũng diễn ra ở nhiều nơi.
Tại bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng, ngày điều trị nội trú bình quân cao hơn mức bình quân của các bệnh viện chuyên khoa đối với trường hợp sau sinh thường 5,9 ngày, trong khi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương 3,4 ngày, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội 2,2 ngày. Mức chung của các bệnh viện phụ sản toàn quốc là 3,7 ngày, chênh lệch 2,2 ngày/bệnh nhân,...