Tờ báo của mọi nhà

Thứ Tư, 21/06/2023 10:47

|

(CATP) Giữa dòng đời xuôi ngược, trước đây và cũng như bây giờ, cứ mỗi lần đi trên đường Nguyễn Du, Q1, TPHCM, trong trí nhớ của tôi lại hiện lên hình ảnh một ngôi nhà thân thương, khó quên, đó chính là tòa soạn Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM). Một tờ báo đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, trong đó từ tầng lớp bà con nghèo thành thị, vùng sâu vùng xa, những người buôn gánh bán bưng đến giới trí thức, hầu như bất kỳ giới nào cũng cần tìm đọc tờ báo này, do có nhiều thông tin thiết thực, kịp thời.

Bạn thử tưởng tượng vài chục năm trước - thời "vàng son" của báo giấy, trên khắp nẻo đường thành phố còn có nhiều sạp báo, đi đến ngã tư nào cũng có thể dễ dàng mua được. Bên cạnh đó, còn có trẻ em bán báo dạo khắp nơi xa gần mà tiếng rao lảnh lót hòa vào những thanh âm náo động thị thành, mới thấy hết không khí sôi động của báo chí thời ấy. Từ đó, có thể nhìn thấy những cuộc "cạnh tranh" ngoạn mục trong báo giới.

Riêng Báo Công an TPHCM ngay từ khi ra đời với chỉ đạo nhanh nhạy, đúng đắn của Công an TPHCM, Ban Biên tập báo đã có chủ trương chọn hướng đi không "đụng hàng" để tạo bản sắc riêng. Đáng nể nhất vẫn là các tuyến bài thời sự được thực hiện bền bỉ, xuyên suốt: Hướng đến những gì bạn đọc đang thực sự quan tâm. Những câu chuyện về an ninh trật tự trong khu phố, các gương tốt, những tệ nạn xã hội, các tin đồn giật gân gây hoang mang dư luận... đều được phản ánh kịp thời. Phải công nhận là các đồng nghiệp của báo đã nắm bắt rất nhanh và phân tích một cách thấu đáo...

Thêm một điều kể ra cũng thú vị không kém là khi có những sự kiện/sự việc "hot" vừa xảy ra, tất nhiên các báo đều khai thác, tùy chủ trương của mỗi báo. Thế nhưng khi Báo Công an TPHCM vào cuộc đã lôi cuốn bạn đọc về nội dung mình thể hiện. Vì sao Báo Công an TPHCM làm được? Từ góc độ bạn đọc, không riêng gì tôi mà các đồng nghiệp khác đã thấy và kết luận: Do đeo đuổi vấn đề đến tận cùng, nên độc giả khi muốn nắm bắt sự việc đầy đủ nhất thì chỉ có thể đọc từ tờ báo này. Dần dà từ đó tạo cho bạn đọc thói quen phải tìm đọc cho bằng được Báo Công an TPHCM.

Từ trái qua: Nhà thơ Thiên Hà, kỷ lục gia Giản Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng, Trưởng ban Chuyên đề Công an TPHCM Bùi Ngọc Giáp, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Dương Vũ Thông

Có thể nói, chính tờ báo này lúc ấy đã làm một cú "đột phá” đáng nể khiến nhiều báo bạn ngạc nhiên: Dành cả trang cuối in từng mẩu chuyện nhỏ, ngắn gọn mà đầy đủ yếu tố nghiệp vụ như: Ai? Việc gì? Ở đâu? Thế nào?... Chỉ cần đôi dòng đã có thể giúp bạn đọc "lướt" nhanh thông tin. Chuyên mục này ra đời "ngốn" rất nhiều tin, chứng tỏ nguồn tin của các phóng viên cực kỳ dồi dào, phong phú...

Tôi nhớ, có lần nhiều đồng nghiệp bảo nhau, đại khái khó thể "cạnh tranh" với Báo Công an TPHCM, sở dĩ như thế vì họ được tiếp cận trước nhất với nguồn tin từ Công an TPHCM, từ các cấp ở quận, phường... Điều này không sai nhưng vẫn chưa đủ, ý tôi muốn nói còn là tầm nhìn của Ban Biên tập và bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo nữa.

Phải nói thật rằng, đã có vài chục năm theo nghề báo, tôi có mối quan hệ với hầu hết các cơ quan truyền thông báo chí tại thành phố này, trong đó có cả Báo Công an TPHCM, tôi cảm nhận tờ báo này dù có nhiều lợi thế hơn khi tác nghiệp, thế nhưng các đồng nghiệp không hề tự đắc hoặc biến thành "quan báo". Khi khẳng định như thế, có lẽ bạn cho rằng tôi quá sức chủ quan?

Không đâu! Một cơ quan ngôn luận có uy tín, được bạn đọc tin cậy có thể nhìn từ đâu? Thứ nhất, theo tôi đó chính là... phòng tiếp bạn đọc, chứ không hẳn là số lượng phát hành, dù rằng yếu tố này rất quan trọng. Nếu một tờ báo chính trị - văn hóa - xã hội "bán chạy như tôm tươi" nhưng bạn đọc không lui tới tòa soạn thì đó là một vấn đề cần suy nghĩ. Có tin, có yêu, có quý thì khi có chuyện cần giúp đỡ, họ mới tìm đến, đó là ý nghĩa sự đồng hành của độc giả và nhà báo.

Nguyên Tổng biên tập Trần Trọng Dũng cùng các nhà báo nữ của Báo Công an TPHCM

Bản thân tôi từng chứng kiến Ban Công tác bạn đọc của Báo Công an TPHCM đã tiếp độc giả với số lượng "khủng". Trên các dãy ghế, họ ngồi chờ tới lượt mình được tiếp nhận đơn. Quan sát các độc giả ấy, tôi nghĩ tờ báo đã tạo ra niềm tin mãnh liệt đến các tầng lớp độc giả. Âu cũng là phần thưởng thầm lặng và đáng quý của bạn đọc dành cho Báo Công an TPHCM.

Kể đến uy tín tờ báo, không thể quên đi những "công việc sau mặt báo". Với tờ Công an TPHCM, một trong những thành tích đáng ghi nhận còn là công tác từ thiện. Có lẽ chưa tờ báo nào có thể quy tụ được hàng loạt nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên... đồng hành cùng nhà báo trong công tác thiện nguyện nhiều đến thế! Lật lại các số báo của những năm tháng đó sẽ nhận ra hàng loạt gương mặt người nổi tiếng đã đồng hành "trên từng cây số" với tờ báo.

Các nhà báo, nhà thơ (từ trái qua): Thạch Tuyền, Phan Hoàng, Trần Tử Văn, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Thiên Hà nhân kỷ niệm thành lập Báo Công an TPHCM năm 2014

Ngoài ra, có lẽ cho đến nay tôi chưa thấy một cơ quan báo chí nào có thể tạo ra sân chơi thanh nhã, hào hoa, lịch thiệp cực kỳ ấn tượng như tờ báo này. Đó là tổ chức những cuộc triển lãm tranh tại tòa soạn, qua đó tạo thêm cơ hội cho các họa sĩ đóng góp giúp người nghèo từ tiền bán tranh... Hầu như các họa sĩ nổi tiếng của thành phố đều có dịp tham dự, và bây giờ nhớ lại, chắc hẳn họ còn ấn tượng với nhiều kỷ niệm đẹp - nói như thế vì chính tại "sân chơi" này, phóng viên nhiều tờ báo khác đã tìm đến phỏng vấn hơn bất kỳ galery nào. Đơn giản, Báo Công an TPHCM đã tạo được uy tín với đồng nghiệp báo bạn.

Về tờ Công an TPHCM, những cộng tác viên thân tín như tôi, chắc chắn ai cũng có nhiều kỷ niệm, nhiều điều tâm đắc để nhắc tới. Do đó, nếu nói thêm điều gì, tôi xin thưa rằng, đây là tờ báo đã và đang trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu của đông đảo bạn đọc. Vậy một khi các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất cho tờ báo hoạt động, tôi nghĩ đó chính là một trong những phương thức tích cực để người làm báo ngày càng làm tốt hơn nữa mục tiêu "Vì an ninh Tổ quốc".

Bình luận (0)

Lên đầu trang