(CAO) Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 40 ha để trồng cây xanh cách ly do VWS chi trả.
Liên quan đến xử lý ô nhiễm Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (gọi tắt là bãi rác Đa Phước) tại huyện Bình Chánh, UBND TP.HCM vừa giao UBND huyện Bình Chánh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi diện tích đất để thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly theo đúng quy hoạch.
Hoàn thành giải tỏa, di dời các hộ dân khu vực 40 ha để bàn giao cho Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS - chủ đầu tư dự án bãi rác Đa Phước) trồng cây xanh cách ly và xây dựng bến thủy nội địa.
Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 40 ha do VWS chi trả.
UBND TP giao Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy xử lý chất thải đang hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc khuếch tán mùi hôi, đặc biệt là mùi hôi từ hoạt động xử lý chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát quy trình vận hành kỹ thuật, công tác kiểm soát mùi hôi trong quá trình hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị xử lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chủ đầu tư các dự án xử lý chất thải trong các Khu liên hợp xử lý chất thải của TP.
Bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: M.Q.A
Ngoài ra, UBND TP cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải TP tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tổ chức triển khai thực hiện đúng và đủ trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị kiểm tra, giám sát theo quy định; tập trung giám sát về tiến độ và các biện pháp khắc phục của VWS liên quan đến việc quyết định xử phạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đây.
Đối với VWS, UBND TP đề nghị tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất việc khuếch tán mùi hôi phát tán ra khu dân cư, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động các khu vực vận hành tiếp nhận xử lý chất thải.
UBND TP đề nghị Công ty này nhanh chóng thực hiện các thủ tục môi trường liên quan đến hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác Đa Phước, đặc biệt là các nội dung liên quan báo cáo Đánh giá tác động môi trường của giai đoạn vận hành dự án, nâng công suất tiếp nhận từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày...
Trong khi đó, tại hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn giữa VWS và Sở TN&MT TP.HCM lập ngày 28/2/2006, quy định Sở này sẽ cung cấp một khu vực hành lang bảo vệ xung quanh toàn bộ địa điểm bãi xử lý rác có chiều rộng ít nhất là 300 m. Diện tích khu vực hàng lang bảo vệ này không nằm trong tổng diện tích dành cho dự án. Sở TN&MT sẽ duy trì, bảo dưỡng hoặc đề nghị UBND TP duy trì, bảo dưỡng hoặc đề nghị một vành đai xanh trong suốt thời hạn bằng các khoản chi phí do Sở TN&MT hoặc UBND TP chịu.
Tại báo cáo số 246/BC-TTCP ngày 27/2/2017, trong nhiều nội dung Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ trồng cây xanh, tạo hành lang phân cách giữa khu dân cư và bãi chôn lấp rác thải của VWS; nghiên cứu áp dụng công nghệ đốt rác phát điện thay thế cho công nghệ chôn lấp để tiết kiệm tài nguyên đất, bảo đảm lâu dài về an toàn môi trường.
Bãi rác Đa Phước có diện tích 128 ha do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam làm chủ đầu tư. Công ty này thuộc Công ty California Waste Solution (Công ty CWS) do ông David Dương sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành. Ngày 28/2/2006, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và Công ty CWS chính thức ký hợp đồng giao nhận, xử lý chất thải rắn, thời gian kéo dài đến ngày 27/12/2055 (khoảng 50 năm). Tháng 11/2007, bãi rác Đa Phước chính thức đi vào hoạt động với công suất 3.000 tấn/ngày.
Trong quá trình triển khai, dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế, sai phạm. Trong đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc ứng trước 9 triệu USD cho VWS là không cần thiết, không đúng Luật Ngân sách Nhà nước, không phù hợp với thực tế. Đây là nguyên nhân quan trọng để VWS đạt được lợi nhuận lớn so với doanh thu, với vốn chủ sở hữu.
Sử dụng công nghệ chôn lấp là chủ yếu nhưng đơn giá xử lý rác tại dự án lên tới 16,4 USD/tấn, mức điều chỉnh trượt giá tăng hàng năm không quá 3%. Theo Bộ Tài chính, đơn giá này là chưa có căn cứ pháp lý, không có căn cứ thực tế, không được cơ quan tài chính thẩm định, vi phạm một số Thông tư liên quan đến chi phí thực hiện các dịch vụ công ích đô thị, giá hàng hóa.