Những chuyến hàng nghĩa tình của “Nối vòng tay Việt”

Thứ Ba, 17/08/2021 14:59

|

(CATP) Làn gió nóng từ sông Trà cũng khiến ngôi nhà của Trung tướng Phạm Nam Tào (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) trở nên ngột ngạt. Bởi vì Sài Gòn - quê hương thứ hai của ông - đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. 

Ở Quảng Ngãi, từ người nông dân, công chức về hưu, đến vị tướng lĩnh ngành Công an... đều xúc động, chung tay với chương trình “Nối vòng tay Việt”, đưa những chuyến hàng vào hỗ trợ người dân các tỉnh, thành miền Nam thân yêu!

Sài Gòn - người mẹ!

Sáng 15-7-2021, một chiếc xe đẩy chở một tấn bí đỏ dừng lại trước cổng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi) để chụp ảnh gởi cho thầy giáo Phan Ánh Quang, người đã khởi động quyên góp, đánh dấu sự ra đời của nhóm thiện nguyện “Nối vòng tay Việt”, do nhà báo Lê Văn Chương phụ trách. “Khi nào thì dừng lại, hoạt động theo phong trào 1 - 2 kỳ rồi nghỉ hay sao?” - kỹ sư Phan Vinh (người đầu tiên đến để thành lập nhóm) đặt câu hỏi. Mọi người đều nhất trí phải cố gắng đến cùng: “Khi nào Sài Gòn hết dịch thì anh em mới dừng lại!”.

Nhóm thiện nguyện “Nối vòng tay Việt” có 15 thành viên, do Trung tá, nhà báo Lê Văn Chương (cộng tác viên Báo Công an TPHCM và ANTV) phụ trách, đã gởi vào cho bà con miền Nam 100 tấn nông sản. Điểm quyên góp tại Thành cổ Quảng Ngãi (phân khu LaVa, số 99 Lê Trung Đình, TP.Quảng Ngãi; điện thoại: 0989.636626). Phương châm của nhóm là “Chiến đấu cho tới khi Sài Gòn hết dịch!”.

Để hoạt động thiện nguyện không bị đánh đồng, hiểu nhầm, làm giảm tốc độ, nhóm công bố công khai về “cơ chế tài chính rau, củ, quả” - bà con ai thương thì đi qua bỏ lại túm chanh, đường phèn, sả, ớt, tỏi, củ lang, củ sắn... Chương trình hạn chế tới mức tối đa không nhận tiền mặt. Còn số điện thoại của tiểu thương Chợ đầu mối Nông sản Quảng Ngãi được chia sẻ để bà con đặt hàng mang tới điểm tiếp nhận. “Chứ hàng này gởi tặng đồng hương Quảng Ngãi hả con? Cô muốn giúp dân Sài Gòn, chứ không phải nặng đồng hương”. Hàng loạt ý kiến của những người đóng góp hàng nông sản cũng chính là phương châm hoạt động của nhóm thiện nguyện. Dòng chữ “Thương gởi Sài Gòn” được đặt trong các túi quà đã được chia sẻ trên mạng xã hội, lay động lòng người.

Gia đình Trung tướng Phạm Nam Tào đồng hành trên nhiều chuyến hàng “thương gởi miền Nam” thân yêu

Những dòng “thương gởi” bà con Sài Gòn

Sáng 6 giờ mở cửa tiếp nhận, 14 giờ ăn cơm trưa, cơm tối thì 21 giờ. Chương trình hoạt động hết công suất. Những tiểu thương đầu tiên đến với chương trình là cô Bê bán vải, nhóm cô Bình ở chợ tỉnh. Và ý kiến của những người phụ nữ này cũng khiến anh em bất ngờ: “Sài Gòn giống như người Mẹ, thấy chỗ nào đau ốm, thiên tai, lũ lụt là đưa tay tới giúp, giống như mang sữa cho con bú. Nên giờ cô muốn giúp để trả nghĩa cho dân Sài Gòn, chứ không phải gởi vào cho đồng hương...”. Có nhiểu tiểu thương rơi nước mắt, nói những lời chân thành vậy đấy! “Hỗ trợ người dân Sài Gòn, con ơi!”... Không ngày nào nhóm thiện nguyện không nghe những lời đầy thương cảm, tâm tư của người dân Quảng Ngãi.

Cô giáo Trang Thị Lệ lương hưu chỉ 2 triệu đồng, nhưng liên tục góp gạo, củ cho chương trình chuyển vào Sài Gòn (bên cạnh là nhà báo Lê Văn Chương)

Tấm lòng vị Trung tướng

“Thấy cảnh người dân Sài Gòn trong đại dịch, anh không thể chịu nổi nữa rồi...!”. Anh Bùi Quang Thuận đi xe lăn tới, xin được làm thành viên của chương trình với câu nói đó. Tất nhiên, ban đầu không ai dám nhận lời với một người tật nguyền, bán vé số trên xe lăn. Và anh Thuận rơi nước mắt bảo rằng: “Đêm anh không ngủ được. Sài Gòn bao lần cứu Quảng Ngãi, giờ Quảng Ngãi phải cứu Sài Gòn đi chứ! Anh thấy các em để trên tấm băng-rôn là “Thương gởi Sài Gòn”, nên anh phải tham gia”.

Để chứng minh mình còn đủ sức lực, anh đi ra ngay cạnh nhà trung tướng Phạm Nam Tào, nơi đây là điểm thu mua dưa hấu trên sông Trà và chở về ngay một tấn dưa. “Trời đất! Ai cho, anh làm gì mà xin được?”. Mọi người thốt lên. Anh Thuận bảo rằng “có chết anh cũng phải tham gia”. Vậy rồi ngày hôm sau, anh chở về 100 bó chè của huyện miền núi Minh Long để góp vào chuyến xe 10 tấn nông sản ứng cứu Sài Gòn. Anh Thuận là một trong nhiều gương mặt tình nguyện viên của “Nối vòng tay Việt” đã “chiến đấu” ròng rõ suốt một tháng qua. Ngày nào anh cũng đau buồn: “Chết em ơi! Bữa nay có nhiều người ở Sài Gòn ra đi rồi!”.

Anh Thuận đi xe lăn, luôn nhắc việc phải giúp đỡ người dân Sài Gòn
Chị Đông (tiểu thương Chợ đầu mối Nông sản Quảng Ngãi) vác hàng tặng chương trình

Nếu tới thăm tỉnh Quảng Ngãi, bạn nói tiếng Sài Gòn thì đi đâu cũng được trọng thị. Người Quảng Ngãi thương người Sài Gòn từ máu thịt như vậy. Và trong những ngày người dân Sài Gòn kiệt sức, trung tướng Phạm Nam Tào không rời chương trình hàng ngày, để theo dõi đồng bào ở miền Nam. Chương trình “Nối vòng tay Việt” được được gia đình trung tướng Tào góp vào rất nhiều các mặt hàng nông sản để gởi vào cho bà con. Đó là những củ sắn trồng ở vùng đất Mộ Đức, củ khoai lang đỏ ở huyện Nghĩa Hành, bí đao ở ven sông Vệ, bí đỏ ở đầu nguồn sông Trà, tỏi ở huyện đảo Lý Sơn.

Anh em “Nối vòng tay Việt” đã nhờ các kênh Icom cộng đồng phát sóng chương trình ra tận hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa để lay động lòng người. Trong chuyến xe gởi về Báo Công an TPHCM, ngư dân Nguyễn Hữu Quang (thuyền trưởng tàu cá Hoàng Sa) từ ngoài khơi điện vào, nói: “Mỗi anh em góp vào và gởi tặng chương trình 500 ký bí đỏ. Anh nhắn với mọi người trong Sài Gòn thân yêu là dù đất liền nguy nan, nhưng anh em vẫn bám giữ Hoàng Sa của Tổ quốc”.

Mới nhất là chuyến hàng của chương trình “Nối vòng tay Việt” vào đến Tòa soạn Báo Công an TPHCM lúc 22 giờ ngày 16-8, giữa cơn mưa lớn của Sài Gòn!

Bình luận (0)

Lên đầu trang