(CAO) Tình cờ trước giờ lên sóng livestream Chương trình Gửi người tri kỷ 2, cùng với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Diệu Hiền và nhạc sĩ - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Hải, xe tôi chạy ngang qua vài con đường mà quá nửa thế kỷ làm nghề, tôi vẫn đi về trên những khúc quanh, ngã tư, ngã ba quen thuộc đó. Nay hầu hết đã đóng cửa hoặc chuyển đổi công năng hoạt động; có nơi, xe ngừng một hồi, tôi cố nhìn mới nhận ra cái lối đi bên hông thường dành cho nghệ sĩ.
Xe quành qua rạp Hưng Đạo, chuyện ai nấy nói rồi, nào thang cuốn, nào dàn đèn chạy quanh bao lơn sáng choang, chỉ sàn diễn lại lọt thỏm phía dưới. Sân khấu (SK) ca kịch cải lương chứ có phải đua môtô lòng chảo? Một SK truyền thống khang trang, tinh tươm, với quy mô vừa phải (trên dưới 1.000 ghế ngồi) đóng đô ngay tại trung tâm thành phố đâu quá khó khăn với tâm huyết, sức lo liệu của thành phố này? Hay lại cứ tiếp tục trông chờ vào cái nhà hát hoành tráng... bên kia sông, mà biết đâu cải lương, hát bội lại nép mình chỉ để tiếp đón khách là chính?
Cũng qua báo chí, nhiều năm rồi tôi thấy nhiều khóa Hội đồng nhân dân thành phố, có các anh chị xuống làm việc nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn về cơ sở biểu diễn của SK kịch, cải lương, hát bội. Tôi cũng đọc thấy nhiều lời hứa về sự tăng cường các thiết chế văn hóa cho thành phố. Nhưng, hiệu quả thực tế ra sao, tôi không rõ. Chỉ là, anh chị em nghệ sĩ cứ bám lấy sàn diễn mà... thuê mướn, làm chương trình, sợ nhất là giá thuê rạp, thuê SK.
Vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga trở lại sau 30 năm
Nay, cũng qua báo chí, tôi có theo dõi cuộc gặp của lãnh đạo thành phố với đại diện văn nghệ sĩ, ngoài lời tri ân của thành phố còn là dịp bày tỏ những trăn trở, kiến nghị. Người đứng đầu thành phố có nêu ra mấy gợi mở đúng "bản chất" dành cho văn nghệ sĩ, như "làm thế nào để có tác phẩm", "làm cách nào để quảng bá các tác phẩm hay đến đông đảo khán giả?", "vì sao văn nghệ thành phố có độ lùi nhất định"...
Xét về một mặt nào đó, tác phẩm nghệ thuật - ở đây xin nói trong lĩnh vực SK cải lương - muốn thành hình, thì cơ sở vật chất, tức rạp hát, dàn nhạc, thiết kế không gian, ánh sáng SK là một điều kiện cần để khi có "đủ” kịch bản và dàn nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn sẽ làm nên chỉnh thể.
Đôi khi, tôi chạnh lòng không phải cho mình, mà cho thế hệ sau mình, các bạn đang làm nghề hiện nay, các bạn có hay không một thế hệ đồng hành cùng mình trong lĩnh vực sáng tác kịch bản/soạn giả cũng là những người thầy, vị Thầy tuồng như thế hệ chúng tôi ngày xưa. Ở họ, tài năng còn đi cùng những thổn thức, ưu tư cùng thời cuộc, chuyển tải vào mạch ngầm tác phẩm tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, con người một cách ý nhị, nhân văn và đa tầng. Và nhờ đó, người nghệ sĩ biểu diễn như được chắp thêm cánh, biên độ sáng tạo đôi khi là bất tận...
Cho nên, sự không thể bắt kịp như ngày trước, hay cái gọi là "độ lùi nhất định" ấy có lẽ cũng là... công bằng cho nhau, ai cũng cảm thấy có một phần trách nhiệm của mình trong sự "thụt lùi" ấy. Vấn đề là thấy và thấu hiểu nguyên do, rồi bắt tay từ đâu để đừng lui sụt hơn nữa. Nếu không dẫn dắt, dự cảm và đưa ra những ghi chép thời cuộc, thì tôi chẳng hiểu văn hóa nghệ thuật tồn tại để làm gì? Và sức mạnh "động lực của phát triển kinh tế" sẽ được nhìn nhận từ đâu?
Nhìn trên bình diện rộng, tôi lại dậy lên niềm hy vọng, đúng hơn là lòng xúc cảm chân thành: Đó là việc thành phố đang cho thấy một ý chí, động thái rõ ràng trong việc phục dựng, chỉnh trang một số di chỉ bản địa của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. Đó là thái độ đúng, phải Đạo trước tiền nhân. Và cũng là cách xác lập một tâm thế của người hiện tại - nếu muốn lưu giữ những giá trị cho mai sau - bằng chính những hành động cụ thể, thiết thực.
Từ việc trả lại tên đường Lê Văn Duyệt và tiến hành các lễ trọng như khai ấn đầu năm tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, đến việc tôn tạo, chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng, công trường Mê Linh, tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, hay trước đó giữ lại cụm di tích Nhà thờ Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm... Đặt bên cạnh những đề án phát triển thành phố, nào "thông minh", nào "sáng tạo", nào "đô thị 4.0" thì những di sản văn hóa bản địa của vùng đất trên 300 năm này lại chính là linh hồn để kết nối, tạo khối bản sắc - chứ không hẳn chỉ là những tòa tháp chọc trời hay những cung đường uốn lượn trên không.
Cũng như trở lại "ngôi nhà” cải lương, Sài Gòn có thể không phải là cái nôi "lọt lòng" của thời khắc chuyển giao tài tử - ca ra bộ - cải lương. Nhưng để tạo thành một dòng chảy, một xu hướng, một loại hình nghệ thuật ca kịch SK cải lương thì chỉ có ở Sài Gòn. Cải lương là một sản phẩm thưởng ngoạn của cư dân đô thị mà Sài Gòn ngày ấy là tiêu biểu.
Vậy, lẽ nào, khi sự liên kết giữa Sài Gòn - TPHCM với miền đồng bằng Chín Khúc là sống còn hơn bao giờ hết, thì cải lương lại thiếu cái sức sống như nó đã từng tạo nên, duy trì và lan tỏa? Ngay chính thành phố đang hồi sinh này, lẽ nào không thể "phục dựng" một hay vài rạp hát của ngày xưa, phải tạo một không gian thưởng ngoạn văn hóa một cách có văn hóa để đó chính là điểm hẹn của người nghệ sĩ - thông qua tác phẩm - với khán giả của mình.
Đó là cách để chúng ta kéo gần hơn lại "độ lùi" của văn hóa nghệ thuật với đời sống và sức phát triển nói chung.