Duyên nợ phía sau ca khúc 'Bông hồng cài áo'

Thứ Tư, 30/08/2023 10:19

|

(CATP) Ca khúc Bông hồng cài áo luôn được hát lên vào dịp Vu Lan. Những người thầm thì "một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em" ít ai biết được duyên nợ phía sau tác phẩm quen thuộc này.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 - 2009) có gia tài hơn 100 ca khúc, mà nhiều bài mỗi ngày vẫn xuất hiện trên các sân khấu lớn nhỏ như Thương quá Việt Nam, Thuyền hoa, Tóc mây, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Chuyến tàu về quê ngoại, Đường về hai thôn... Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sử dụng rất nhuần nhuyễn chất liệu dân ca Nam Bộ trong các sáng tác của mình, nên nhiều người vẫn đinh ninh ông là đứa con của miền sông nước Cửu Long. Thực tế, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là con út trong một gia đình nghèo có đến 13 người con ở An Nhơn - Bình Định. Năm 15 tuổi, ca khúc đầu tay Nắng lên xóm nghèo viết về chính mảnh đất mình đang gieo neo cùng người thân, đã lập tức giúp Phạm Thế Mỹ thành danh. Đến hôm nay, ca khúc Nắng lên xóm nghèo vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật.

Năm 20 tuổi, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tham gia cách mạng và làm công tác tuyên huấn ở Quân khu 5. Sau Hiệp định Genève 1954, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được phân công ở lại miền Nam hoạt động. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tốt nghiệp Trường Âm nhạc Sài Gòn và đi dạy học ở Đà Nẵng. Năm 1965, vì tham dự vào phong trào đấu tranh Phật giáo, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam. Trong tù, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vẫn ung dung sáng tác những ca khúc hào hùng như Hỡi hồn mẹ Việt Nam, Mặt trời vừa thức dậy, Hòa bình ơi, hãy đến... Đặc biệt, những ngày ngột ngạt trong tù, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã mượn ý từ tùy bút của thiền sư Thích Nhất Hạnh để viết ca khúc bất hủ Bông hồng cài áo, đánh thức và nâng niu lòng hiếu thảo vốn có ở người Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ca sĩ Diệu Lý

Sau khi thoát khỏi ngục Đà Nẵng, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vào Sài Gòn phụ trách văn nghệ ở Viện Đại học Vạn Hạnh. Giai đoạn này, ông không chỉ có một loạt ca khúc cổ vũ thanh niên đô thị xuống đường như Rạng đông trên quê hương Việt Nam, Dựng lại quê hương, Cho cây rừng còn xanh lá... mà ông còn gặp được lương duyên.

Trong đội văn nghệ nữ sinh của Viện Đại học Vạn Hạnh có ca sĩ Diệu Lý quê quán Qui Nhơn - Bình Định hát rất hay ca khúc Bông hồng cài áo. Biểu diễn rất nhiều lần "mẹ là lọn mía ngọt ngào, mẹ là nải chuối buồng cau", ca sĩ Diệu Lý mới biết tác giả là người thầy giáo vẫn ăn mặc giản dị mà cô thường gặp. Sự hâm mộ cộng với tình đồng hương, ca sĩ Diệu Lý đã nảy nở tình cảm với vị nhạc sĩ lớn hơn mình đến 20 tuổi. Những ngày hẹn hò của họ, không phải quán xá hay đường phố, mà là ở văn phòng làm việc của nhạc sĩ trong khuôn viên Viện Đại học Vạn Hạnh. Chàng viết được câu nào thì đưa cho nàng hát. Cuộc hạnh ngộ của họ dạo ấy làm nên trường ca Những trang sử Việt Nam mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khi công bố đã được sự đón nhận nồng nhiệt ngay những ngày non sông vừa thống nhất.

Năm 1975, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Diệu Lý tổ chức đám cưới đơn sơ và ấm áp. Hạnh phúc ấy, chính là chất xúc tác để nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết ca khúc Bến duyên lành đầy thổn thức yêu thương.

Ca sĩ Diệu Lý không chỉ yêu chồng vì tài năng, mà còn nể chồng vì nhân cách. Bà kể câu chuyện ứng xử của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: Có một nhà kinh doanh băng đĩa đến tìm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ để xin phép dùng mấy ca khúc của ông trong một đĩa nhạc. Ngồi trong căn hộ tương đối khiêm tốn ở một chung cư bình dân, vị khách bày tỏ ngạc nhiên "Không ngờ nhạc sĩ lừng lẫy như ông lại sống trong hoàn cảnh thế này". Lập tức, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ vặn lại "Thế này là thế nào? Với tôi, như vậy là ổn. Nhạc của tôi hay dở mới có ý nghĩa với công chúng, còn nhà của tôi to nhỏ thì đâu có ích gì cho mọi người!".

Qua tuổi 70, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ bị tai biến, phải nằm một chỗ. Ca sĩ Diệu Lý nhớ lại: "Thời gian cuối đời, chồng tôi cử động rất khó khăn, nhưng ông vẫn gắng gượng sáng tác. Tôi và con trai phải hỗ trợ ông việc ký âm ca khúc. Rồi tôi ôm đàn hát lại cho chồng tôi nghe, để ông chỉnh sửa đúng ý mình. Mãi đến khi không sáng tác được nữa, ông vẫn muốn nghe tôi hát lại những ca khúc mà ông từng viết. Lần nào cũng vậy, tôi hát xong thì thấy nước mắt rơi dài trên khuôn mặt ông. Đối với chồng tôi, âm nhạc không phải danh lợi mà là chính sinh mạng ông".

Ngày 06/01/2009, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời ở tuổi 79. Trong di sản của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, ca khúc Bông hồng cài áo là một tác phẩm bất hủ đối với giới mộ điệu mỗi dịp Vu Lan.

Bình luận (0)

Lên đầu trang