Mạo danh Viện trưởng VKSND Tối cao ra 'lệnh bắt giữ người' để lừa tiền

Thứ Năm, 25/08/2022 10:07

|

(CAO) Hàng loạt người dân bị các đối tượng giả danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... gọi điện đe dọa để lừa đảo. Thậm chí, các đối tượng còn giả con dấu, chữ ký của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí với lệnh bắt người và dọa nếu để lộ thông tin còn bị phạt 100 triệu đồng.

Thời gian qua, Công an tỉnh Bắc Giang liên tiếp nhận được tin báo của người dân tố giác các đối tượng mạo danh cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... gọi điện thoại đe dọa, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đây là những hình thức lừa đảo tuy không mới nhưng đã khiến nhiều người dân hoang mang, lo sợ. Thậm chí, có người dân do hoảng loạn đã lập tức làm theo yêu cầu của bọn chúng để khi sự việc đã rồi, họ cay đắng nhận ra mình đã bị lừa.

Theo Công an tỉnh Bắc Giang, thủ đoạn của loại tội phạm này là sử dụng phần mềm công nghệ cao, ẩn danh số điện thoại tương tự số điện thoại của cơ quan công an đã được niêm yết công khai hoặc sim rác thông báo bị hại liên quan đến một vụ án hoặc một vụ việc công an đang điều tra.

Các đối tượng cung cấp những thông tin phù hợp với nhân thân, tài sản của người bị hại và thực hiện đe dọa, thậm chí dàn dựng, kết nối cho bị hại nhìn thấy, nói chuyện qua điện thoại với người được cho là công an để bị hại tin tưởng.

Sau đó, các đối tượng phạm tội yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chúng chỉ định, đồng thời bắt bị hại giữ bí mật sự việc để phục vụ công tác điều tra.

Bọn tội phạm mạo danh Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí để yêu cầu người dân làm theo yêu cầu mà chúng giăng ra để lừa đảo.

Vào đầu tháng 7-2022, bà D.T.T ở huyện Tân Yên nhận cuộc gọi của người tự xưng là cán bộ Công an yêu cầu bà chuyển tiền đến 1 tài khoản ngân hàng ở Hà Nội để điều tra làm rõ, chứng minh bà không liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy. Sau đó đối tượng nhận sẽ mang tiền về tận nhà trả lại cho bà T.

Do tinh thần hoảng sợ và nôn nóng muốn được minh oan, bà T đã mang 3 sổ tiết kiệm của mình đến ngân hàng Agribank Tân Yên định rút 236 triệu để chuyển vào tài khoản theo yêu cầu của đối tượng.

Nhận thấy bà T. rút tiền khi tinh thần hoảng loạn, lo lắng, cán bộ ngân hàng Hoàng Thị Hương đã báo cáo ngay lãnh đạo ngân hàng về vụ việc. Bên cạnh đó, cùng các cán bộ khác giải thích, liên lạc với người thân của bà T để cùng thuyết phục, ngăn chặn việc chuyển tiền thành công, tránh thiệt hại cho khách hàng. Sau khi được giải thích, bà T đã hiểu ra mình bị lừa nên đã gửi lại số tiền đó tại ngân hàng và ra về.

Các hình thức lừa đảo này tuy không mới nhưng nhiều người vẫn hoang mang, lo lắng và sập bẫy.

Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn làm giả con dấu và chữ ký của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí để dọa người dân phải thực hiện các yêu cầu của chúng.

Qua các vụ việc lừa đảo nói trên, Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch để tránh sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Công an Bắc Giang khuyến cáo thêm, người dân khi nhận được các thông tin của người lạ cần bình tĩnh phân tích, đánh giá các thông tin từ người lạ. Đồng thời, trước những thông tin đe dọa, uy hiếp không nên vội vàng chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng mà trao đổi với người thân, bạn bè và thông báo ngay với lực lượng công an gần nhất để chủ động phòng ngừa, đấu tranh…

Theo Công an Bắc Giang, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an các cấp, cần nhất vẫn là ý thức phòng ngừa, cảnh giác của người dân. Công an địa phương cho rằng, người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu cao tinh thần cảnh giác, đồng thời có kiến thức để tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của loại tội phạm này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang