Một lần nghe máy, "bay" 4 tỷ đồng

Thứ Ba, 07/04/2020 16:54

|

(CATP) Số liệu của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Khánh Hòa cho thấy: Năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 40 vụ, số tiền chiếm đoạt là gần 13 tỷ đồng. Trong đó, lừa đảo qua điện thoại phổ biến nhất: 7 vụ, gần 10 tỷ đồng. Còn lại là các vụ hack Facebook, lừa đảo bán hàng qua mạng, skimming...

TIỀN "BỐC HƠI" SAU CUỘC GỌI

Thủ đoạn sử dụng điện thoại, mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, thường xuyên được cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nạn nhân của các thủ đoạn này vẫn không ngừng tăng lên. Thậm chí, chỉ bằng một cuộc gọi, nạn nhân đã bị chúng chiếm đoạt vài tỷ đồng một cách dễ dàng.

Trưa 16-12-2019, bà Đỗ Thị Yến, một cán bộ hưu trí, ở khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP.Nha Trang, nhận được cuộc điện thoại từ số lạ, tự xưng là nhân viên bưu điện, thông báo bà có một khoản nợ tại Ngân hàng Techcombank Hà Nội. Sau đó chuyển máy yêu cầu bà gặp cán bộ điều tra Bộ Công an. Người này thông báo cho bà biết đang điều tra một đường dây tội phạm, đe dọa xử lý hình sự nếu không hợp tác, yêu cầu bà mở một tài khoản tại Ngân hàng Techcombank Nha Trang và chuyển vào đó 4 tỷ đồng, để công an xác minh. Chúng còn yêu cầu bà cung cấp tên truy cập, mật khẩu, mã OTP. Chỉ trong ngày hôm đó, chúng đã chiếm đoạt 4 tỷ đồng của bà Yến.

Đang ở nhà một mình lúc 9 giờ ngày 15- 11-2019, cụ ông Võ Văn Đồng (ngụ P.Phước Tân, TP.Nha Trang) nhận được điện thoại từ một người xưng tên Hiếu, làm ở Trung tâm Bưu chính viễn thông Nha Trang. Người này thông báo ông có 1 giấy báo nợ của Ngân hàng Saigon Bank, chi nhánh Đống Đa, TP.Hà Nội, với số tiền 36,866 triệu đồng. Công an nghi ngờ có người mạo danh ông để mở tài khoản và sử dụng số tiền trên. Sau đó, người này yêu cầu ông nói chuyện với đại diện công an tên Dương.

Người xưng là Dương, trung tá ở Bộ Công an, nói đang điều tra một tài khoản 22 tỷ đồng đứng tên ông, nghi vấn phạm pháp, yêu cầu ông phối hợp. Khi ông Đồng nói không có số tiền nhiều thế, lập tức người đó hỏi ông có bao nhiêu? Khi ông trả lời có sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng thì được hướng dẫn rút tiền, chuyển vào tài khoản của người có tên là Hồ Nhất Trung, tại Ngân hàng Viettin Bank, chi nhánh Nam Thăng Long, Hà Nội. Ngay lập tức, ông Đồng bị chúng rút sạch số tiền được chuyển để "xác minh".

Số liệu của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Khánh Hòa cho thấy: Trong 3 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra 7 vụ; số tiền bị chiếm đoạt là 1,3 tỷ đồng.

Đối tượng lừa đảo đi rút tiền tại cây ATM của Sacombank Khánh Hòa (ảnh do camera an ninh ghi lại)

BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

Thủ đoạn phổ biến lừa qua điện thoại là đối tượng lừa đảo gọi điện cho nạn nhân tự xưng nhân viên bưu điện, thông báo đang nợ cước điện thoại, thiếu nợ ngân hàng, liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn ma túy, "rửa tiền" xuyên quốc gia...

Để làm tin, các đối tượng lừa đảo còn làm giả lệnh bắt của công an, viện kiểm sát, tòa án, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, yêu cầu bị hại phải nghe điện thoại, nói chuyện với người xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... và không được kể cho người khác biết việc đang làm với cơ quan pháp luật, nếu làm lộ "bí mật" sẽ bị... bắt ngay.

Để tạo tin tưởng cho bị hại, chúng còn dùng phần mềm ứng dụng giả mạo số điện thoại của cơ quan công an, cơ quan Nhà nước... nên khi bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080 hoặc mạng internet thì thấy trùng khớp. Trong lúc điện thoại với nạn nhân chúng còn tạo tiếng động hiện trường, làm giả tiếng còi xe cảnh sát, tiếng hỏi cung... khiến nạn nhân sợ sệt. Từ đó, chúng dọa dẫm, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng chỉ định với lý do xác minh nguồn tiền phục vụ cho công tác điều tra và sau đó chiếm đoạt.

Có trường hợp, các đối tượng yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng mở tài khoản mang tên chính mình và đăng ký dịch vụ Internet Banking theo số điện thoại do chúng cung cấp. Nạn nhân nghĩ rằng tài khoản do chính mình mở sẽ không sao. Thế nhưng khi đăng ký dịch vụ Internet Banking theo số điện thoại của kẻ lừa đảo cung cấp thì chúng sẽ có số tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu ban đầu và dễ dàng chuyển đổi mật khẩu. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản thì chúng nhanh chóng chuyển tiền sang tài khoản khác và rút sạch.

Phần lớn các nạn nhân cơ bản thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu hiểu biết về thủ tục ngân hàng và ngại va chạm với các cơ quan pháp luật, muốn nhanh chóng chứng minh mình trong sạch, nên vội vàng làm theo yêu cầu của chúng. Ngoài ra đối tượng mà bọn lừa đảo nhắm tới là số người già, về hưu. Chúng gọi điện tới lúc họ ở nhà một mình, con cháu họ đi làm, đi vắng để hù dọa làm họ mất tinh thần dễ làm theo các dẫn dụ của chúng. Các cơ quan công an cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao cảnh giác, nhất là cho nhóm đối tượng người già, hưu trí. Con, cháu trong nhà cũng cần quan tâm, hướng dẫn và chia sẻ với cha mẹ, người già trong nhà, giúp họ quản lý tài sản. Các ngân hàng cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng. Chú ý phát hiện và ngăn chặn kịp thời các giao dịch nghi vấn.

Điều quan trọng cần biết là: Cơ quan công an và các cơ quan pháp luật tuyệt đối không làm việc với công dân qua điện thoại, chỉ làm việc trực tiếp, khi có giấy tờ xác định. Mọi trường hợp nghi vấn gọi ngay cho cơ quan công an để được tư vấn và hơn nữa cung cấp thông tin giúp công an làm rõ tội phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang