Chuyện về vị "Phật" theo cách mạng:

Kỳ 5: Xếp hàng xin phước "Phật sống"

Thứ Sáu, 08/12/2023 09:19

|

(CATP) Hát-ha-cốp dặn cha đón xe kéo đến số nhà... đường 20, còn ông lên xe hơi đi tiếp, sau đó ông đưa cha về ở chung vài ngày, nghe tình hình gia đình, làng xóm, đất nước rồi cho cha ít tiền, hối trở về Rạch Giá báo tin cho gia đình. Hát-ha-cốp có nhiều cuộc gặp gỡ với giới chủ Ấn tại Sài Gòn. Với tư cách là thủ lĩnh tinh thần của họ, ông đề nghị bãi bỏ việc thu tiền bến bãi của những người buôn bán nhỏ. Ông thống nhất việc thành lập Công ty giết mổ Chánh Hưng (đặt tại quận 8 ngày nay), ký hợp đồng cung cấp cho quân đội Nhật 300 con bò được giết mổ, ướp nước đá mỗi tuần, sau đó Hát-ha-cốp trở về chùa Prệp-pra ở Nam Vang tiếp tục đóng vai "Phật sống".

Tên tuổi và uy tín của "Phật sống" ngày càng lên cao, nhiều quốc gia có Phật giáo là quốc giáo xin rước ông đến thăm "tệ quốc" và cử đoàn đưa công chúa của các hoàng tộc đến xin "giống Phật". Đề nghị này quá bất ngờ khiến Hát-ha-cốp lưỡng lự. Thế là các công chúa và các đoàn tùy tùng liền ăn nằm la liệt quanh chùa không chịu trở về. Họ coi việc Phật từ chối là bất hạnh chung của đất nước, dân tộc mình nên không ngớt than khóc. Bất đắc dĩ Hát-ha-cốp phải thân chinh "giúp đỡ” họ. Cứ mỗi ngày tốt, mỗi công chúa lại vào "lấy phước Phật" qua đêm. Sáng mai cô bước chân ra khỏi cổng chùa với khuôn mặt thành kính, mãn nguyện. Đoàn tùy tùng bên ngoài phất cờ phướn, dậm chân khua trống liên hồi mừng đất nước mình sắp có "đại phước".

Vài công chúa trong số đó khi về đã thọ thai và họ rất hãnh diện về điều này. Những cuộc "ban phước" như vậy càng làm Hát-ha-cốp nhớ vợ con, quê nhà. Cuộc sống của ông hiện rất sung sướng, nhưng nỗi cô đơn thì không gì thay thế được. Không ai dám lại gần hay chuyện trò với ông, một lời ông nói ra đều là "Phật chỉ” thiêng liêng hơn cả lời vua chúa. Ông luôn mệt mỏi với đời sống khác thường như vậy! Tin Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Việt Nam giành được độc lập đến tai ông. Hát-ha-cốp lên kế hoạch trốn khỏi thân phận thần thánh hiện tại để về Việt Nam. Ông chiêu mộ được người lái xe gốc Việt. Một ngày đẹp trời, hai thầy trò gom góp hành trang chất lên xe nhắm hướng Đông trực chỉ. Đến địa phận Châu Đốc, xe của ông bị lực lượng kháng chiến chặn lại và đưa đến gặp ông Ung Văn Khiêm, lúc ấy phụ trách Công an trong Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ...

Cụ Lưu Công Danh trong căn nhà của mình ở Rạch Giá năm 1998

"PHẬT SỐNG" ĐỤNG ĐỘ "ĐẠI CA" BÌNH XUYÊN

Sau khi nghe Hát-ha-cốp (Lưu Công Danh) kể lại đời mình, đồng chí Ung Văn Khiêm cảm nhận ở anh lòng yêu nước và chí căm thù thực dân nên cử anh làm Trưởng ban trừ gian Long Châu Sa (Long Xuyên - Châu Đốc - Sa Đéc). Năm 1947 anh trở về Rạch Giá sau gần 20 năm lang bạt kỳ hồ. Hai con trai bé xíu của anh ngày trước giờ đã trưởng thành và tham gia chống Pháp. Bà con đến thăm rất đông, đến bữa ăn anh hỏi trái cây, vợ anh không chịu, bảo: "Giờ hết làm Phật rồi, phải tập ăn cơm đi!". Chị nấu cho anh cơm nhão, ép lại thành bánh rồi đem nướng. Anh tập ăn cơm lại được, nhưng tới khi nếm thử thịt cá thì ói đến mật xanh, mật vàng. Ở nhà vui được mấy hôm, anh lại lên đường nhận công tác ở Tiểu đoàn 307 khét tiếng anh hùng. Anh em trong đơn vị gọi anh là Ba Chà (vì anh ở Ấn Độ về và rất giống người Ấn).

Biết anh từng là thầy tu, nay chưa ăn được thịt cá nên anh em bộ đội đè anh ra nhét thịt chó vào miệng bắt tập ăn. Lúc đầu cũng ngán, cũng ói, sau đó thỉnh thoảng anh nhắc: - Các cậu nè, lâu quá mình chưa ăn thịt chó! Biết anh đã ghiền nên tất cả phá ra cười. Năm 1948, anh được cấp trên cử làm Giám đốc đề lao binh Quân khu 9. Đây là trại "chỉnh phong" (chỉnh đốn đạo đức, tác phong - nói cho dễ hiểu là vậy) dành cho những chiến sĩ bị kỷ luật ở các đơn vị. Hôm đầu tiên đến nhận nhiệm sở mới, Ba Chà vác balô lơn tơn đi vào. Trong một căn nhà lá rộng có lạch nước bao quanh, gần 100 người đang ngồi xếp bằng dưới đất dự tiệc nhậu. Lá chuối được xếp dọc theo hàng người, trên lá là những con cá lóc nướng đen, muối ớt, rau sống và thuốc rê. Hai ông ngồi đầu dãy người lực lưỡng, cởi trần, trên ngực một ông xăm con rồng lớn, ông kia xăm hai con rắn xanh lè. Ba Chà bước vào, gật đầu chào rồi đặt balô xuống. Ông xăm hình rồng hất hàm hỏi: - Ê thằng kia, lính mới hả? Bị tội gì vậy mầy?

Ba Chà cười cười bảo: - Cấp trên cử tôi về đây làm Giám đốc, chào các anh em!

Đám đông ngồi dưới bỗng cười hô hố, ông xăm rồng thì cười gằn: - Giám đốc mới à? Tụi bây có nghe không? Người ta đã cử cái thằng cù lần này đến quản lý anh em Bình Xuyên chúng ta đấy! Nào rót cho tao một chén để mời tân Giám đốc coi!

Hắn bưng chén rượu tiến về phía Ba Chà, bất thình lình ném cả chén lẫn rượu vào mặt anh, chửi: - Mày đã nghe tiếng anh em Bình Xuyên chưa? Biết rồi thì cút ngay!

Khánh thành khu lưu niệm các Tiểu đoàn 307, 310 ở Bến Tre năm 2018

Ba Chà hất đầu né, thản nhiên cởi áo ngoài, hỏi: - Vậy là các anh muốn thử trước phải không? Nào xin mời, nhớ chơi đúng luật, đừng chơi hội đồng!

Đám người phấn khích đứng cả dậy, reo lên: - Đại ca đánh chết mẹ nó đi!

Ông xăm rồng bước ra khoảnh đất trống, gồng lên lấy gân thủ. Ba Chà lừ lừ bước đến rồi bất thần lao vào ôm chặt "đại ca" quăng luôn xuống nước. Nước bắn tung tóe, đại ca lóp ngóp đội cỏ, bèo bám bờ leo lên, rồi lại hùng hục lao vào. Ba Chà nghiêng người, táng một chỏ trời giáng vào gáy đối thủ làm hắn nằm thẳng cẳng. Đám đông lặng ngắt, rồi bất thần hét lên: - Nhị ca đâu, ra đi, đừng để Bình Xuyên mất mặt!

"Nhị ca", tức tên xăm rắn đứng xuội lơ, nói như thanh minh: - Chả (ông ta) búng tay, đại ca đã tiêu, tao nghĩa địa gì!

Hạ tên xăm rồng xong, Ba Chà thản nhiên vào cuốn một điếu thuốc rê to đùng rồi dùng tay gắp một cục than hồng bỏ vào giữa lòng bàn tay, phì phà mồi thuốc (ngón này ông luyện được trên đường đến Tây phương tu). Cả đám đông nhìn cảnh đó lắc đầu, lè lưỡi thán phục. Đại ca, nhị ca rồi lần lượt cả đám đông cúi đầu kính cẩn. Đại ca run run cất lời: - Đây mới đúng là sư phụ. Đại ca, tụi em có mắt như mù, xin lượng thứ. Xin thề với trời đất từ nay sẽ trung thành với Giám đốc đại ca!

- Thôi các chú đứng cả lên, sẵn rượu sẵn mồi chúng ta liên hoan mừng gặp mặt.

Uống được vài tuần rượu, Ba Chà lên giọng sang sảng: - Lệnh đầu tiên mà tôi ra cho anh em là... (tất cả nín thở chờ) là... tháo hết dây thép gai, còng, dây trói đem gởi nhà dân. Lớn nói nhỏ nghe, anh em ta thương nhau, giúp nhau tiến bộ, bỏ dần thói xấu. Thằng Tây đang bắn giết dân ta, anh em phải mau chóng sửa lại tác phong, sớm trở về đơn vị giúp đồng bào đánh chúng nó. Ai phản lại lời thề này, xử theo luật của anh em, đồng ý không?

- Đồng ý (tất cả cùng phấn khởi vung tay hô lớn), nhưng Giám đốc đại ca giới thiệu về mình đi!

- À, tôi là Ba Chà, dân 307 (Tiểu đoàn 307 đánh giặc nổi tiếng Nam bộ thời chống Pháp - đã đi vào thơ ca, nhạc họa...) về...

- Có phải Ba Chà toàn chơi giáp lá cà với Tây bằng mã tấu không?

- Đúng!

- Ồ, vậy là tụi em càng nể đại ca bội phần!

Từ đó Đề Lao Binh trở thành một kiểu trại giam có một không hai, không có hàng rào, tường cao, không lính gác, Giám đốc và phạm nhân làm chung, ăn chung, ngủ chung, nhậu chung rất bình đẳng, không hề có trường hợp trốn trại. Tiếng thơm của trại giam tự quản này còn vang mãi, đến mấy mươi năm sau, có người ở TANDTC còn gặp cụ Ba Danh - Giám đốc Ba Chà thời xưa để tham khảo về nghệ thuật quản lý tù. Năm 1953, đ/c Ba Chà sau khi được kết nạp Đảng (vào năm 1947) được dự lớp chỉnh huấn cán bộ quân đội ở Đầm Dơi - Minh Hải.

Nghe tiếng Ba Chà là người có cuộc đời khá đặc biệt, lãnh đạo lớp học đã cử nhà văn Phạm Tường Hạnh (vừa rút từ báo Vệ quốc quân Tây Nam bộ về) theo Ba Chà nghe kể để viết lại lý lịch cho anh. Sau này, nhà văn Phạm Tường Hạnh đã viết lại câu chuyện trên đăng ở báo Nhân Dân và Sài Gòn giải phóng như sau: "... Gần nửa tháng trời, tôi ghi chép những lời anh kể, hệ thống lại thành bản lý lịch nộp cho tổ chức. Chúng tôi sống với nhau ở một căn nhà nhỏ nằm trên một con rạch ngoằn ngoèo. Đêm nào anh Ba cũng đi bắt về nửa thùng thiếc ếch, lột da, xào lăn với củ sả mời cả tổ đến nhậu. Anh còn có tài bắt rắn, bắt chuột...". Còn cụ Ba Danh sau này kể lại với phóng viên Báo CATP kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Tường Hạnh như sau: "...

Năm 1997, Hạnh xuống tìm tôi ở Rạch Giá, tôi ngạc nhiên hỏi: - Hồi viết lý lịch cho tao, thấy mày còn trẻ lắm, nay sao già dữ vậy? Hạnh cười: - Tôi đã gần 80 tuổi rồi anh Ba! Thấy tôi sống trong căn nhà lụp xụp, Hạnh có vẻ lo, tôi bảo: - Coi vậy chớ nhà tao không có chỗ nào dột đâu, còn cơm thì bữa nào cũng được ăn no. So với thời ăn trái cây, ngủ bờ ngủ bụi, như vầy là tiên rồi!". Nhân thấy cụ Ba đang vui, người viết loạt bài này liền hỏi mấy viên ngọc mà Sãi vương Sô Chim cho cụ từ 70 năm trước, cụ kể: - Lúc đi kháng chiến, tôi giao cho vợ 2 viên ngọc đeo trên ngực.

Trong một lần chạy đò tản cư, vợ tôi bỏ trong hành lý, chẳng may đò bị tai nạn chìm, còn người nhưng mất của. Thế cũng là may! Còn 2 viên ngọc nhỏ đẹp trên tay, sau này tôi cho con gái út (chị này từ xa về thăm cha và cũng ngồi nói chuyện cùng). Người viết bài này mừng quá xin chị cho xem đôi bông tai, chị cười bảo: - Tôi đeo nó đi đến đâu, người ta xúm lại coi. Có người ở nước ngoài về dụ tôi bán, tôi tuy nghèo nhưng của này không thể bán được! Phải nói là 2 viên đá quý này (có đường kính khoảng 5mm) thật lạ và đẹp. Mới nhìn nó có màu trắng trong, nhìn nghiêng nó hóa màu xanh biếc, đưa ra ánh nắng hiện rõ bảy màu...

(Còn tiếp...)

Kỳ 4: Trở về làm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang