Cảnh báo các chiêu lừa đảo trong thương mại điện tử

Thứ Hai, 11/07/2022 11:58  | Nam Anh

|

(CATP) Những năm gần đây, thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển nhanh trong giới trẻ, đặc biệt là các nhân viên văn phòng. Mỗi ngày có hàng nghìn cuộc giao dịch mua - bán thành công. Lợi dụng việc mua bán dễ dàng trên thế giới ảo, nhiều kẻ gian đã lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng (KH).

Tràn lan thương mại điện tử lừa đảo

Mỗi ngày trên thế giới mạng diễn ra hàng chục ngàn cuộc giao dịch mua - bán thành công. Tuy nhiên, trong số đó có không ít KH bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền một cách công khai, không ít người bị lừa đã tặc lưỡi cho qua vì món hàng ít giá trị, người mạnh dạn hơn thì vạch mặt bọn tội phạm bằng việc viết tin nhắn tố cáo trên thế giới ảo để người sau cảnh giác. Lướt qua các trang mua - bán điện tử như: www.chotot.vn, www.muaban.net, www.muaban.com.vn, www.nhattao.com, Error! Hyperlink reference not valid. Hàng hóa được rao bán đủ loại từ những món vài trăm ngàn đồng cho đến những mặt hàng lên tới cả tỷ.

Hàng hóa được rao bán trên các trang mạng có nhiều chủng loại, hợp với tâm lý người tiêu dùng (NTD) như: điện thoại, máy tính bảng, nước hoa, quần áo, giày dép, giỏ xách, dịch vụ công nghệ, xe..., thậm chí cả nhà - đất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các trang mạng mua - bán mà đối tượng lừa đảo nhắm đến là những món hàng được rao với giá cực rẻ; trong khi muốn mua được món hàng ưng ý, phù hợp với túi tiền của mình, không ít KH đã bỏ ra hàng giờ để "đãi cát tìm vàng" trên thế giới online.

Từng nhiều năm tham gia mua bán hàng trên mạng, chị Vi Thị Lan - đang làm việc cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở quận 3 - cho rằng, hiện nay việc mua sắm qua mạng rất phổ biến trong giới trẻ, tuy nhiên việc giao dịch giữa người mua - kẻ bán chỉ dựa vào lòng tin, chính vì thế việc mua bán phải hết sức cảnh giác, nếu không dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo. Nỗi lo lắng lớn nhất của người mua hiện nay là có nhiều chủ hàng quảng cáo (QC) một đằng, bán sản phẩm một nẻo, chưa kể việc có khả năng mất tiền oan bất cứ khi nào. Việc mua bán trên mạng vì thế cũng như "đãi cát tìm vàng" cho mỗi lần mua bán.

Nạn nhân sập bẫy lừa đến trình báo cơ quan công an

Chị Lan kể: "Đầu năm nay, tôi đặt mua lọ nước hoa ưng ý với giá cả hợp lý, nhưng khi chuyển tiền đi và nhận hàng lại là sản phẩm quá đát. Gọi điện phản ánh cho người bán nhiều lần tôi chỉ nhận được lời hứa, đợi lô hàng sau sẽ đổi cho tới tận bây giờ". Không ít NTD cũng lâm cảnh dở khóc dở cười khi mua hàng qua mạng. Điều KH thường gặp nhất là hàng hết hạn sử dụng, chất lượng, mẫu mã... khác xa so với lời QC, thậm chí bị lừa.

Lừa đảo tăng theo cấp số nhân

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc giao dịch mua - bán hàng trên thế giới mạng thường thấy nhất vẫn là kiểu lừa bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cho NTD. Các sản phẩm thường bị lừa là những mặt hàng được rao là "hàng xách tay" như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện thoại di động. Người mua chỉ nhận được những lời "cam kết" như: sản phẩm chất lượng, giá rẻ chỉ bằng phân nửa giá trên thị trường nên quyết định rất nhanh. Đến khi nhận hàng mới phát hiện ra sản phẩm giả, quá đát thì đã muộn!

Để lấy tiền của khách, người bán thường rao bán giảm giá sản phẩm ở mức rất "sốc", rồi giục người mua chuyển khoản trước để "giữ hàng". Tinh vi hơn, nhiều đối tượng lừa đảo còn lợi dụng cả hai bên là các shop bán hàng thật để chiếm đoạt tài sản của cả hai phía. Với chiêu thức này, chúng giả dạng một shop bán hàng có thật và giả làm nhân viên ở đó để liên hệ với KH. Khi khách chọn mua sản phẩm, kẻ lừa đảo yêu cầu họ chuyển tiền và cung cấp thông tin cho mình, sau đó kẻ gian tới shop thật, mạo danh là KH đã chuyển tiền, lấy hàng rồi chuồn thẳng.

Nhiều trang thương mại điện tử đang bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo

Không dừng lại đó, bọn lừa đảo còn lợi dụng lòng tin của NTD, giở nhiều chiêu trò hết sức tinh vi như trường hợp của anh Trần Văn Tùng đặt mua chiếc moto rao bán trên diễn đàn 5giay.vn với giá 41,3 triệu đồng, người bán ở Quảng Nam. Thỏa thuận xong, để làm tin, anh Tùng đã chuyển toàn bộ tiền cho người bán, nhưng chờ đến hơn một tháng vẫn chưa nhận được hàng, khi đến xác minh thì không hề có địa chỉ đã nêu. Nguy hiểm hơn, những trò lừa đảo này ban đầu chỉ có quy mô nhỏ, lác đác ở vài trang mua bán điện tử thì nay đã phát triển rầm rộ ở hầu hết các trang MXH, kênh giao lưu trực tuyến.

Hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo còn lập ra những trang "web ma", giả danh các công ty lớn có uy tín, sau đó tung ra những lời QC "sốc" như khuyến mãi 50% khi đến mua hàng, thanh toán trước sẽ được tặng quà. Những lời QC "có cánh" đã đánh trúng tâm lý người mua hàng. Nhiều người cả tin đã chuyển tiền cho đối tượng thông qua những trang "web ma" để rồi ngậm đắng với chương trình "khuyến mãi" mà chúng đưa ra. Khi KH cất công tìm đến trụ sở mới té ngửa đây là công ty không có thật.

Nhằm tránh bị kẻ gian lợi dụng, một chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin cho rằng, hiện nay NTD trên các kênh thương mại điện tử phải thể hiện sự thông thái để bảo vệ an toàn cho chính mình. Theo đó, khách phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch đồng thời tránh để lộ thông tin cá nhân cho những người mà mình chưa xác thực có đáng tin hay không. Mặt khác, NTD phải nắm được thông số kỹ thuật của món hàng mình cần mua, giá cả phải công khai minh bạch để tránh bị kẻ gian lừa đảo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang