Nhận diện "cát tặc"
Chiều 31/5, tại Công an TP.Cần Thơ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (CSPCTP về MT) Bộ Công an tổ chức hội ý nghiệp vụ nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong cấp phép, khai thác, vận chuyển, tập kết bãi kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp tại khu vực ĐBSCL.
Theo đánh giá, tội phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, mang tính hệ thống. Công tác quy hoạch, cấp phép mỏ cát trên địa bàn khu vực ĐBSCL chưa sát với nhu cầu thị trường gắn với phát triển kinh tế xã hội, chưa giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trung tá Phan Thanh Nhàn (Phó đội trưởng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long) phân tích: Các đối tượng lợi dụng điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp để khai thác cát sông trái phép và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, cố tình cung cấp thông tin không chính xác, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi bị phát hiện, xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, thay đổi quy luật hoạt động, lợi dụng địa giới hành chính, cử người cảnh giới và khai thác vào ban đêm. Chúng thuê người cảnh giới nắm các hoạt động của lực lượng chức năng và thông tin cho nhau khi có lực lượng kiểm tra, bỏ trốn và thậm chí chống lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ phương tiện vi phạm
Theo Trung tướng Trần Minh Lệ (Cục trưởng Cục PCTP về MT), các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra 4 vấn đề tồn tại, hạn chế và 10 nguyên nhân (cả khách quan lẫn chủ quan), đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh trong thời gian tới. Trung tướng Trần Minh Lệ đề nghị Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng ngừa, nắm sát, chắc địa bàn, thu thập, củng cố tài liệu chứng minh và kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chiều dài các tuyến sông qua địa phận tỉnh Tiền Giang dài khoảng 120km nên các đối tượng dùng nhiều phương thức, thủ đoạn để khai thác cát trái phép. Hoạt động này diễn ra khá phức tạp, đặc biệt ở khu vực cách cầu Mỹ Thuận khoảng 1km về phía hạ nguồn, vàm Cái Thia (huyện Cái Bè); khu vực cồn Thới Sơn (TP.Mỹ Tho), đoạn giáp xã Song Thuận (huyện Châu Thành); đoạn từ phà Rạch Vách đến cống Vàm Giồng... Qua thống kê, trên địa bàn có 147 phương tiện gắn thiết bị bơm, hút cát; trong đó 85 phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, còn lại 62 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm.
Theo đánh giá của Cục CSGT, Bộ Công an, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép tại khu vực ĐBSCL còn nhiều bất cập, khó khăn; trong đó có việc kiểm soát các phương tiện gắn thiết bị bơm hút cát trên sông. Các đối tượng chuyển sang sử dụng phương tiện thủy không có đăng ký, đăng kiểm, có gắn các thiết bị bơm hút cát trọng tải nhỏ nhưng với số lượng nhiều, dễ dàng tháo chạy hoặc bỏ lại nếu bị kiểm tra. Khu vực ĐBSCL có khoảng 200 phương tiện nghi vấn khai thác cát trái phép đã được lực lượng chức năng lên danh sách.
"Nóng bỏng" về đêm
Đầu tháng 3/2024, Cục CSPCTP về MT phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động bắt giữ 16 phương tiện đang hoạt động khai thác cát trái phép, vận chuyển cát trái phép trên sông Tiền (đoạn qua huyện Cái Bè, khu vực giáp ranh với tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre).
Hai tháng sau (tối 03/5), Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Cái Bè tuần tra mật phục trên tuyến sông Tiền (đoạn qua xã Hòa Hưng, cách cầu Mỹ Thuận khoảng 2km), phát hiện ghe gỗ có lắp đặt hệ thống máy hút đang khai thác cát trái phép từ lòng sông lên sà lan (không biển kiểm soát) đang neo đậu cạnh bên. Trên ghe gỗ có Nguyễn Văn Sáng (SN 1994), Nguyễn Văn Thiện (SN 1975), Trần Minh Tây (SN 1991) và Nguyễn Xuân Lãm (SN 1989, đều ngụ tỉnh Đồng Nai). Còn trên sà lan có Lưu Trung Hiếu (SN 1988) và Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 2002, cùng ngụ tỉnh Tiền Giang). Thời điểm kiểm tra, những người này không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tổ công tác tiến hành đo đạc, sà lan chứa hơn 37m3 cát. Các đối tượng thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép.
Các phương tiện khai thác cát trái phép
Theo Công an huyện Cái Bè, trước khi tiến hành khai thác cát trái phép, các đối tượng điều 2 phương tiện lưu thông trên sông Tiền, trong đó ghe gỗ lắp đặt hệ thống máy hút với 2 vòi hút. Bọn chúng phân công 2 "người nhái" đeo mặt nạ, ngậm ống thở oxy rồi ôm theo vòi hút từ ghe gỗ bắt đầu lặn xuống đáy sông Tiền để dò tìm nguồn cát. Phía trên ghe gỗ, bọn chúng cho hệ thống máy hút hoạt động, hút cát trái phép để bơm chuyền sang sà lan đang neo đậu bên cạnh chờ cho đến khi "no hàng". Đây là thủ đoạn mới và khá tinh vi do nhóm đối tượng đến từ Đồng Nai câu kết với nhóm ở Tiền Giang thực hiện.
Tại tỉnh Bến Tre, đêm 22/5, trên tuyến sông Tiền (đoạn thuộc thủy phận xã Phú Đức, huyện Châu Thành), tổ công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bến Tre kiểm tra, phát hiện 4 phương tiện khai thác, vận chuyển, tàng trữ cát sông trái phép. Vụ thứ 1, phát hiện phương tiện tàu sắt không biển kiểm soát khai thác trái phép 4,3m3 cát sông. Trên phương tiện có Ngô Hoàng Nhịn (SN 2004), Phạm Văn Bé (SN 1994, cùng ngụ tỉnh Tiền Giang). Vụ thứ 2 là phương tiện tàu sắt không biển kiểm soát khai thác trái phép 17,6m3 cát sông. Trên phương tiện có Nguyễn Văn Phương (SN 1972), Nguyễn Minh Tiến (SN 1997, đều ngụ tỉnh Tiền Giang).
Cùng thời gian, địa điểm trên, tổ công tác kiểm tra, phát hiện 2 phương tiện thủy không biển kiểm soát vận chuyển, tàng trữ cát sông không có nguồn gốc hợp pháp với tổng khối lượng 19,7m3. Trên các phương tiện có Huỳnh Văn Kiếm (SN 1988, ngụ tỉnh Tiền Giang), Phan Thành Nguyên (SN 1983), Phan Khắc Huy (SN 2002, cùng ngụ tỉnh Bến Tre). Cả 4 vụ việc bàn giao Công an huyện Châu Thành tiếp tục xác minh, xử lý.
Khai thác cát trái phép góp phần gây sạt lở bờ sông Tiền
Đại tá Nguyễn Chí Công (Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp) cho biết, đầu tháng 01/2024, trong cùng một ngày, Trạm CSĐT Sa Đéc đã bắt giữ 5 sà lan, 11 đối tượng vận chuyển 355m3 cát sông đang lưu thông trên các tuyến sông qua địa bàn huyện Cao Lãnh. Qua làm việc, cả nhóm thừa nhận số cát trên được vận chuyển từ tỉnh Vĩnh Long đến Đồng Tháp tiêu thụ.
Theo thống kê, những tháng đầu năm 2024, Công an các tỉnh, thành ĐBSCL phát hiện 1.390/1.767 đối tượng, 24 tổ chức, đã khởi tố 6 vụ/26 bị can, xử phạt hành chính số tiền hơn 22,5 tỷ đồng liên quan đến hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép.