Điều khiến mọi người “sửng sốt” hơn khi ông là người sáng chế chiếc đồng hồ âm dương của ông đã được Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cấp chứng nhận bảo hộ.
Đắng cay cuộc đời
Đời ông Thông bôn ba, từng trải. Sinh ra ở Nam Định, lớn lên tham gia cách mạng. Sau giải phóng một công ty Nhà nước rồi lấy vợ sinh con. Ông được cử đi học, nhận tấm bằng cử nhân kinh tế loại giỏi, ông ra thương trường kinh doanh và gặt hái nhiều thành công, được xem là “thương gia” lúc bấy giờ.
Năm 1982, ông đưa hẳn gia đình lên Gia Lai định cư mở công ty có hàng chục nhân viên. “Thương trường là chiến trường”, ông làm ăn thua lỗ dần, bị vỡ nợ, nhà cửa, tài sản phải bán sạch vào năm 1988. Thất bại cay đắng khiến ông phát bệnh tâm thần.
Ông Thông từng có thời kì ăn nên làm ra
Ông gửi 3 đứa con về quê nhờ người thân nuôi giúp. Vợ làm giáo viên bám trụ lại Gia Lai nuôi chồng, trị bệnh. Ngoài căn bệnh thần kinh, ông còn vướng nhiều bệnh khác nằm viện hàng tháng trời.
Hoàn cảnh ông quá khó, anh trai ông ở Đà Nẵng rủ về đây sinh sống. Năm 2000, ông về lập nghiệp ở khu vực Hải Vân làm công nhân nhựa đường, vợ tiếp tục đi dạy. Năm 2005, khi Hầm đường bộ Hải Vân đưa vào sử dụng, ông nhờ anh trai giới thiệu về làm bảo vệ trạm thông gió đường hầm trên đỉnh Hải Vân.
Công việc của ông chẳng giống ai, không khí lưu thông trong đường hầm (dài 1,8km) thông qua 2 tua-bin to, đẩy gió từ biển vào, đồng thời hút khí bẩn từ trong hầm ra và ông có nhiệm vụ, vừa canh không cho ai tới lui khu vực này, vừa dọn vệ sinh trạm thông gió.
Nhiệm vụ của ông cần có sự kiên trì, chịu khó. Ông canh cả ngày lẫn đêm, thậm chí quanh năm suốt tháng tại trên đỉnh núi, mang lương thực lên ăn tại chỗ.
Ngọt ngào nhà sáng chế bất đắc dĩ
Nói về việc chế tác đồng hồ âm dương, ông Thông cho rằng, lên làm trên đỉnh núi, suốt ngày “va chạm” với mây, gió, trăng… nên khái niệm thời gian dường như không còn. Ông học cách nhìn sao trời, thiên nhiên… để dự đoán thời tiết. Rồi dần dà ngẫm nghĩ đến thuyết âm dương ngũ hành, thời vận, số phận vận vào cuộc đời mình.
Ông Thông với 2 sản phẩm của mình
Nhiều đêm thức trắng, không có việc gì làm, ông bắt đầu tìm các loại sách thiên văn, tìm kiến thức về vũ trụ của NASA,… Lúc đầu khó đọc, khó hiểu, nhưng ông không bỏ cuộc mà cố suy ngẫm thì càng thẩm thấu, càng “nghiện”. Nhiều người cho rằng ông là kẻ “gàn dở”, nhưng ông đành cam chịu…
“Không chỉ về mặt thời gian, xã hội cũng vậy, dù có tiến bộ đến đâu, thì âm dương không thể tách rời”, ông Thông tâm niệm. Từ đó, ông Thông bật ý tưởng về một chiếc đồng hồ vạn niên có thể truyền tải ý niệm thời gian đông tây kim cổ, xem được giờ âm, dương; ngày tốt, xấu; xem tuổi, xem năm,…
Trước tiên, ông thể hiện ra giấy, về sau ông mua miếng mica trong suốt, về đo đạc, chế tạo chiếc đồng hồ thông dụng. Tiếp đến, ông tính toán khắc, thêm nhưng con số giờ âm, cách tính tuổi, tính giờ hoàng đạo để khởi hành, khai trương; tuổi vợ hợp chồng hay không,… lên chiếc đồng hồ.
Ông thổ lộ: “Thực tế, để biểu thị nó trên một mặt phẳng hình học khó lắm, phải tính toán, chiêm nghiệm làm sao cho khoa học. Khi làm cứ thế mê mẫn, lúi cúi suốt ngày. Vợ con nhiều lúc cũng khó chịu vì bố mê “món” này mà quên việc gia đình”.
Do không được sự ủng hộ của vợ con, ông tiết kiệm tối đa để mua ipad trả góp, đi xuống đèo cũng tắt máy cho đỡ tốn xăng tuy không ít lần gặp tai nạn. Với sự chịu khó không mệt mỏi, cuối cùng chiếc đồng hồ âm dương ưng ý của ông cũng được hoàn thiện.
Vừa xong, ông mang ra dâng vua Hùng nhân lễ Giỗ tổ 10-3. Sở dĩ làm như vậy, ông cho rằng, vì chiếc đồng hồ âm dương còn có thể giải mã các ký tự trên trống đồng. Ông Thông mang sản phẩn mình ra Cục Bản quyền tác giả Việt Nam đăng ký tác quyền. Vào năm 2015, sản phẩm này đã được chứng nhận bảo hộ.
Tiếp tục nghiên cứu
Đã “sa” vào con đường nghiên cứu, xong sản phẩm này, ông tiếp tục sáng tạo chiếc rubic học tiếng Việt cho trẻ em. Từ trò chơi rubic nổi tiếng đang được cả thế giới sử dụng, ông muốn tạo ra “một nét đặc trưng riêng của người Việt”, mà có thể “vừa học, vừa chơi”.
Ông Thông hé lộ, để tìm nguyên lý dán được chữ cái lên mặt rubic, ông phải mày mò, quay cả ngàn lượt và mua loại rẻ tiền từ nhựa thải của Trung Quốc, mỗi lần xoay đau rát tay. Sau thành thạo, ông tiếp tục sử dụng mica trong khắc chữ, rồi bóc tách, dán các chữ cái lên sao cho việc ghép vần hiệu quả.
Chứng nhận tác quyền đối với sáng chế đồng hồ âm dương của ông Thông
“Từ đó, giúp giải mã toàn bộ âm vị, âm tiết tiếng Việt, cách bỏ dấu vào đâu, sắp xếp phụ âm nguyên âm,… để trẻ học tiếng Việt, ghép vần, âm,… theo những quy tắc rubic một cách nhanh nhất và dễ dàng. Đặc biệt, chỉ có tiếng Việt mới ứng nghiệm hiệu quả trên rubic”, ông Thông lí giải.
Rubic tiếng Việt chưa công bố, nhưng sản phẩm cũng đang gây thích thú không chỉ đối với trẻ em và cả người lớn ở TP. Đà Nẵng khi được giới thiệu thử. Ông Thông hy vọng những sản phẩm chế tác của mình sẽ hữu ích cho đời sống, cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.