(CAO) Làng đại học Thủ Đức tập trung hơn 40.000 sinh viên theo học, với kí túc xá (KTX) được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam nhưng rất nhiều sinh viên lại chọn ở trong những căn nhà trọ xập xệ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn.
Theo quan sát của chúng tôi, các nhà trọ nằm rải rác, khuất sau những rừng cây, con đường dẫn vào là những lối mòn với đầy sỏi đá rất khó đi.
Gía rẻ đi kèm rủi ro
Các nhà trọ thuộc khu vực làng đại học Thủ Đức đa phần đều nằm trong khu đã quy hoạch nên không được xây dựng kiên cố, theo thời gian lại càng xuống cấp trầm trọng hơn. Những mối nguy hiểm càng tăng cao khi bước vào mùa mưa. Được biết giá mỗi phòng trọ ở đây khá rẻ chỉ dao động từ 600 ngàn đến 1,5 triệu/1 tháng, có thể ở đến 3 đến 4 người. Tuy nhiên, gía thành rẻ lại đi kèm với điều kiện sống không đảm bảo và những rủi ro có thể xảy ra.
Bạn Hồ Thị Tú (SV ĐH Sài Gòn) cho biết: “Mùa nắng thì trong nhà rất nóng. Còn khi đến mùa mưa thì phòng mình luôn ở trong tình trạng ẩm mốc. Mỗi lần mưa gió lại bị dột nên mình phải lấy xô để hứng kẻo lại lênh láng khắp nhà”.
Tình trạng xuống cấp nhẹ thì dột, ngập. Nặng thì sập trần, vách tường, bạn Tú cho biết thêm.
Không chỉ chịu cảnh dột, nhiều người ở trọ còn phải lo sợ nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Chị Trần Thị Thủy (thuê phòng trọ ở ngay hồ cá sinh viên, sau lưng ĐH KHXH & NV TP. HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ sập tường, đất đá đổ đầy vào nhà hồi năm ngoái: “Năm ngoái vào mùa mưa, bờ tường của dãy trọ bên mình bị sập. May mắn là không có thiệt hại về người nhưng đã làm cho mọi người vô cũng hoảng sợ. Nếu bức tường đó sạc xuống thêm lần nữa thì những phòng trọ ngay đó sẽ bị sập theo, lúc đó hậu quả sẽ vô cùng lớn”.
Không may mắn như chị Thủy, một số sinh viên khác thì lại phải chịu thiệt hại về tài sản trong vụ sập phòng trọ. Đó là bạn Anh Như (SV năm 3 trường ĐH KHXH&NV) và bạn cùng phòng đã bị thiệt hại toàn bộ tài sản. Anh Như kể lại “Phòng mình ở 5 người. Hôm đó trời mưa to, đang nằm trong phòng thì mình nghe có tiếng rơi vỡ. Ngay sau đó toàn bộ trần nhà rơi xuống đầu mình, nước đổ ập vào phòng. Mọi thứ diễn ra quá nhanh nên mình không kịp thu dọn. Toàn bộ sách vở, 3 cái laptop và 4 điện thoại bị hư không thể sửa được”.
Khi được hỏi vì sao không chuyển vô KTX trong khi còn rất nhiều chỗ trống, thì nhiều bạn sinh viên cho rằng KTX tuy an toàn nhưng lại không được nấu ăn và giờ giấc nghiêm ngặt khiến các bạn thấy không thoải mái. Nhiều bạn lại không ăn được thức ăn bên ngoài hoặc có nhu cầu làm thêm về muộn nên ở trọ là giải pháp tiện lợi hơn.
“Mình là sinh viên trường ngoài không thuộc khối ĐHQG nên các thủ tục phiền phức hơn. Hơn nữa, ở ngoài mình được tự do nấu nướng. Còn ở KTX mình phải ăn cơm tiệm”, Tú chia sẻ.
Nhà trọ sập, chủ nhà không chịu bồi thường
Đối với sinh viên, việc tìm được một phòng trọ có không gian sống thoải mái với giá cả hợp lý là điều vô cùng khó. Điều kiện kinh tế eo hẹp đã khiến không ít sinh viên bất chấp những rủi ro có thể xảy ra để thuê phòng trọ giá rẻ. Chính vì vậy nhiều sự cố đáng tiếc đã xảy ra, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các bạn sinh viên.
Sau khi bị sập phòng trọ, Anh Như may mắn không bị thương nhưng những thiệt hại về vật chất không thể lấy lại được. Chủ trọ không đồng ý bồi thường, thậm chí không chịu trả tiền đặt cọc khi Như cùng các bạn có ý định rời đi. Các bạn bị ép tiếp tục ở dãy trọ đã sập, thiếu an toàn nếu tiếp tục ở lại.
Mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn với Anh Như, những người này thậm chí còn dọa nạt bạn mỗi khi nhắc đến việc bồi thường. Mọi chuyện chỉ được giải quyết sau khi công an phường vào cuộc và chủ trọ đồng ý trả tiền đặt cọc cho Anh Như và các bạn.
“Việc này đã ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của mình, cả phòng sống trong lo sợ khi không biết khi nào thì nhà sẽ lại sập. Lúc đó bọn mình rơi vào trạng thái khủng hoảng. Cũng do mình sơ suất trong quá trình làm hợp đồng thuê nhà và tìm hiểu về chủ trọ nên mới chịu nhiều thiệt thòi như vậy. Phòng còn mới, giá cả cũng hợp lý thì mình vào ở nhưng không ngờ phòng lại không kiên cố và nhà chủ lại cư xử như vậy” - Anh Như bức xúc.
Không phức tạp như Anh Như, nhiều những người thuê trọ có nhận được hỗ trợ từ chủ nhà nhưng con số này lại không thỏa đáng. Chị Thủy cho biết sau khi dãy trọ bị sập thì hai chiếc xe máy dựng bên ngoài phòng của chị bị hư hỏng nặng. Chi phí sửa chữa gần 2 triệu đồng nhưng chủ nhà chỉ hỗ trợ có 100.000 đồng.
Việc thuê được phòng trọ đảm bảo chất lượng là một vấn đề lớn ở làng Đại học. Với lượng sinh viên tập trung đông và nhu cầu tìm trọ quá lớn nên những chủ thuê đã tận dụng để cho thuê phòng giá rẻ. Tuy nhiên, phòng trọ lại không đảm bảo đủ chất lượng và an toàn cho người ở.
Trước thực trạng trên, các bạn sinh viên cần phải cẩn thận hơn trong việc tìm kiếm nhà trọ. Không nên vì ham rẻ mà bất chấp những mối nguy hiểm có thể xảy đến. Bên cạnh đó, khi làm hợp đồng thuê phòng sinh viên nên chú ý các điều khoản và thỏa thuận với nhà chủ về việc bồi thường thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Tiêu Thảo – Kim Anh – Xuân Thành