Xét xử vụ tranh chấp mua bán hạt điều tại Bình Phước:

Phán quyết của TAND tỉnh Bình Phước chưa thuyết phục!

Thứ Năm, 27/05/2021 10:58  | Hải Văn

|

(CATP) Xét xử một vụ tranh chấp mua bán hạt điều, trong khi TAND TX.Phước Long tuân thủ khá đầy đủ thủ tục thì TAND tỉnh Bình Phước lại loại bỏ nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng quan trọng trong vụ án. Không những vậy, thẩm phán cấp phúc thẩm tuyên bản án thiếu khách quan, trung thực.

Lùm xùm một vụ mua bán hạt điều

Do mâu thuẫn trong quá trình mua bán hạt điều, vợ chồng bà Phan Thị Nga (SN 1959), ông Hồ Tiến Đạt (SN 1955, cùng ngụ thôn Tân Phước, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, Bình Phước) làm đơn kiện bà Nguyễn Thị Hồng Lan (SN 1981, KP4, P.Long Thủy, TX.Phước Long, Bình Phước). Ngày 30-9-2020, TAND TX.Phước Long có bản án số 22/2020/DS-ST (gọi tắt là bản án số 22) giải quyết việc tranh chấp mua bán trên. Để có cơ sở xét xử, ngoài nguyên đơn, bị đơn, TAND TX.Phước Long đã triệu tập, thu thập ý kiến của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo bản án số 22, bà Nga trình bày, năm 2016, vợ chồng bà có nhờ mặt bằng của nhà bà Thoại (ngụ thôn 8, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng) để gửi hàng hóa và mua bán hạt điều. Do lớn tuổi, bà đặt vấn đề cho chị Lê Thị Tuyến (SN 1988, con gái bà Thoại) đi theo giúp việc. Chị Tuyến ghi chép số lượng hàng hóa mua bán, còn chuyện chốt số lượng và thanh toán tiền bạc thì do bà ghi chép, theo dõi rồi chia lợi nhuận cho chị Tuyến. Vợ chồng bà làm ăn chung với chị Tuyến được khoảng 4 năm.

Ngày 29-3-2016, bà Nguyễn Thị Hồng Lan mua của bà 901kg hạt điều nhân, loại vỡ đôi (ký hiệu WS), giá 122.560.000 đồng. Trước đó, ngày 25-3-2016, bà Lan nợ bà 22.520.000 đồng, tổng tiền bà Lan nợ của bà là 145.080.000 đồng. Khoảng 5-7 ngày sau, bà Lan trả cho bà 50 triệu đồng, nợ lại 95.080.000 đồng. Để có cơ sở khởi kiện, bà nộp cho Tòa cuốn "sổ bán 2016" làm chứng cứ. Bà Nga khẳng định cuốn sổ này có trang giấy ghi nhận số nợ của bà Lan hiện đang tranh chấp (bút lục 19). Trong trang giấy ghi nợ, chữ viết bằng bút bi mực màu đen là của chị Tuyến ghi, còn chữ viết "-50=95.080.000" bằng bút bi mực màu xanh do bà ghi. Bà yêu cầu là Lan trả nợ cho mình nhưng từ đó đến nay bà Lan không chịu trả. Do đó, bà Nga yêu cầu TAND TX.Phước Long buộc bà Lan và chồng là ông Trần Văn Anh có nghĩa vụ liên đới trả nợ cho vợ chồng bà. Trước Tòa, ông Hồ Tiến Đạt thống nhất với phần trình bày của vợ mình.

Bà Lan trình bày, năm 2016, bà và chị Tuyến làm ăn chung với nhau. Việc làm ăn của bà không liên quan gì tới chồng là ông Trần Văn Anh. Ngày 29-3-2016, bà mua của chị Tuyến 901kg hạt điều WS, giá 122.560.000 đồng. Trước đó, bà nợ của chị Tuyến 22.520.000 đồng, tổng cộng, bà nợ của chị Tuyến 145.080.000 đồng. Mấy ngày sau, bà chở khoảng 17-18 tấn hạt điều thô từ Campuchia đến đổi cho chị Tuyến để trừ nợ. Khi mua bán, chị Tuyến có ghi chép đầy đủ vào cuốn "sổ bán 2016", còn bà thì không ghi. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa giữa bà và chị Tuyến đã thanh toán xong.

Giữa bà và vợ chồng bà Nga không xác lập giao dịch mua bán nào, nhưng không hiểu sao bà bị bà Nga làm đơn kiện. Qua làm việc, bà được Tòa cho xem chứng cứ do vợ chồng bà Nga dùng để khởi kiện là cuốn "sổ bán 2016". Bà nhận ra cuốn sổ này là của chị Tuyến. Trong đó, chữ viết bằng bút bi mực màu xanh có nội dung "-50=95.080.00" do ai viết thêm thì bà không rõ. Bà đề nghị Tòa án giám định chữ viết để có cơ sở giải quyết vụ việc. Do bà không mua bán hạt điều với vợ chồng bà Nga, nên vợ chồng bà Nga kiện bà đòi số tiền 95.080.000 là vu khống.

Về phần mình, chị Tuyến xác nhận, năm 2016, 2017, chị có làm ăn chung với vợ chồng bà Nga. Cuốn "sổ bán 2016" mà bà Nga làm tài liệu kiện bà Lan là sổ theo dõi mua bán của gia đình chị. Lô hàng 901,4kg hạt điều, loại WS, ngày 29-3-2016 bà Lan mua là của gia đình chị bán cho bà Lan. Lô hàng này không có hạt điều của bà Nga. Việc mua bán được chị ghi vào "sổ bán 2016" và được bà Lan ký xác nhận. Đối với dòng chữ "-50=95.080.000" do ai viết thì chị không biết, nhưng nó không phải chữ viết của chị. Việc mua bán giữa chị và bà Lan đã thanh toán xong, giao dịch đó không liên quan đến vợ chồng bà Nga.

Bà Lan trình bày với phóng viên

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, lời khai của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, TAND TX.Phước Long nhận định: xét toàn diện tài liệu của vụ án là cuốn "sổ bán 2016" do nguyên đơn cung cấp xác định, giữa bà Nga và chị Tuyến có làm ăn chung với nhau. Tài liệu do bà Nga dùng khởi kiện bà Lan không thể hiện giữa bà Nga và bà Lan có phát sinh giao dịch mua bán. Trong khi đó, chị Tuyến lại cho rằng, giao dịch ngày 29-3-2016 chỉ có chị và bà Lan xác lập, việc mua bán này không liên quan tới bà Nga. Lô hàng này là của riêng gia đình chị Tuyến bán cho bà Lan, bà Lan ký xác nhận nợ lô hàng với chị Tuyến. Bà Nga, ông Đạt không đưa ra được chứng cứ gì khác để chứng minh việc khởi kiện của mình.

Bà Lan thừa nhận có ký xác nhận nợ 122.560.000 đồng trong sổ bán hàng của chị Tuyến. Đối với dòng chữ "-50=95.080.000" bằng bút bi mực màu xanh, bà Lan và chị Tuyến không rõ do ai ghi. Bà Nga cho rằng sau ngày 29-3-2016 khoảng mấy ngày thì bà Lan có trả số tiền 50 triệu đồng cho bà nên bà ghi "-50=95.080.000". Tuy nhiên, việc này không được bà Lan thừa nhận hoặc xác nhận trực tiếp vào giấy tính tiền, bà Nga cũng không có các tài liệu chứng cứ chứng minh. Bà Nga cho rằng nguồn gốc lô hạt điều bán cho bà Lan ngày 29-3-2016 là của mình vì bà đã trả hết tiền cho bà Thoại. Tuy nhiên, ý kiến này không được bà Thoại và chị Tuyến thừa nhận. Từ những nhận định trên, TAND TX.Phước Long không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nga. Bà Nga kháng cáo.

Ngày 22-3-2021, TAND tỉnh Bình Phước có bản án số 34/2021/DS-PT (gọi tắt là bản án số 34) về tranh chấp hợp đồng mua bán hạt điều giữa bà Nga và bà Lan. Trái ngược với quyết định của TAND TX.Phước Long, TAND tỉnh Bình Phước tuyên xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của vợ chồng bà Nga, buộc vợ chồng bà Lan trả cho vợ chồng bà Nga 95.080.000 đồng.

Bà Lan bức xúc: "Tôi và bà Nga không có quan hệ mua bán gì, nhưng không hiểu sao TAND tỉnh Bình Phước lại căn cứ vào tờ giấy trong cuốn "sổ bán 2016" của chị Tuyến để cho rằng tôi có mua bán với vợ chồng bà Nga? Trong cuốn "sổ bán 2016", không hề có chữ ký xác nhận nợ của tôi với vợ chồng bà Nga, nhưng TAND tỉnh Bình Phước khẳng định tôi ký xác nhận mua hạt điều và còn nợ tiền của vợ chồng bà Nga là quá vô lý. Tôi đã yêu cầu Tòa án giám định chữ viết để có cơ sở xét xử, nhưng không được họ thực hiện. Việc làm ăn mua bán của tôi không liên quan đến chồng tôi, nhưng TAND tỉnh Bình Phước đưa chồng tôi vào vụ án là không đúng.

Khi xét xử, họ không gửi giấy triệu tập tôi đến tham dự phiên tòa là tước mất quyền lợi chính đáng của tôi. Vụ án này có ít nhất 6 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng trong bản án số 34, TAND tỉnh Bình Phước đã loại bỏ nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và nhân chứng quan trọng và "rút gọn" lại chỉ còn nguyên đơn, bị đơn, người được ủy quyền tham gia tố tụng và người có trách nhiệm liên đới là có dấu hiệu vi phạm về thủ tục tố tụng. Bản án số 34 có hiệu lực từ ngày ký mà không cho tôi quyền kháng cáo là có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm pháp luật. Căn cứ vào bản chất sự việc và những dấu hiệu vi phạm trong quá trình xét xử, tôi đề nghị TAND tỉnh Bình Phước sớm hủy bản án số 34, tránh gây thiệt hại cho tôi".

Bình luận (0)

Lên đầu trang