Ăn cháo lươn, bé 10 tháng tuổi hóc xương suýt chết

Thứ Sáu, 06/04/2018 18:05  | Ngô Đồng

|

(CAO)  Sau khi ăn bát cháo lươn, bé trai 10 tháng tuổi (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) phải nhập viện.

Thông tin từ BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, tại đây vừa tiến hành xử trí cho một trường hợp hóc dị vật sau khi ăn cháo.

Bé trai 10 tháng tuổi (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện với tình trạng khó thở, khàn tiếng. Người nhà cho biết, trước đó có cho bé ăn cháo lươn, trong khi ăn thì bé bỗng ho sặc sụa.

Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ Tai Mũi Họng của BV Nhi Đồng 2 nghi ngờ bé nuốt dị vật nên đã phối hợp cùng các bác sĩ Hô Hấp tiến hành nội soi cho bé.

Trong khi nội soi, các bác sĩ đã phát hiện ra dị vật là một đốt xương lươn nằm ngay dưới dây thanh âm và đã tiến hành gắp thành công dị vật.

Mảnh xương lươn nhiều góc cạnh được các bác sĩ gắp ra

Các bác sĩ cho biết, cháu bé rất may mắn vì đến khám sớm và dị vật chưa rơi vào đường thở, nếu không có thể gây ngưng thở, thậm chí tử vong nếu cấp cứu không kịp.

Theo các chuyên gia y tế, từ xưa đến nay, cháo lươn luôn là món ăn được các lựa chọn ưa thích cho khẩu phần ăn dặm của bé. Lươn có hàm lượng dinh dưỡng cao, cũng như giàu các vi chất. Tuy nhiên, lươn ngoài thịt ra thì còn có xương lươn. Và chỉ một chút sơ xuất nhỏ, để sót một ít xương cũng có thể gây nguy hiểm cho bé.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, không chỉ lươn mà còn các thực phẩm có xương hoặc vỏ (cá, tôm, cua...) hay những thực phẩm dạng hạt (đậu phộng, bắp...), trong quá trình chế biến và lọc xương, phụ huynh hãy hết sức cẩn thận.

Ngoài ra, để bé được an toàn trong bữa ăn, phụ huynh không nên cho trẻ xem tivi, chơi điện thoại, máy tính hoặc đọc sách, trò chuyện trong lúc ăn uống.

Trong tháng vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và xử lý rất nhiều trường hợp dị vật đường thở, trong đó có những ca bị viêm phổi, khò khè kéo dài, việc điều trị rất khó khăn.

Trước đó, cũng tại BV này, các bác sĩ tiến hành gắp một đầu viên đạn ở phế quản cho một bé trai (3 tuổi rưỡi, ngụ Đắk Lắk).

*Trước đó, bé bị viêm phổi nhiều lần, đã điều trị tại nhiều phòng khám tư nhân nhưng không khỏi. Tại Bệnh Viện Đa Khoa Đắk Lắk, bé được chẩn đoán viêm phổi, có dị vật đương thở. Tình trang viêm phổi ngày càng tăng nên Bệnh viện Đa Khoa Đắk Lắk đã chuyển bé xuống Bệnh Viện Nhi Đồng 2.

BS Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, sau gần 3 giờ nội soi, các bác sĩ mới gắp được dị vật là một đầu đạn bi của súng hơi.

Các bác sĩ gắp được dị vật là một đầu đạn bi của súng hơi.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó khoảng một tháng, bệnh nhi hay chơi đạn bi súng hơi và có thể bị sặc.

Lưu ý :

Tất cả những đồ vật mà trẻ có thể cho vào miệng thì đều có nguy cơ trở thành dị vật. Không chỉ riêng những loại trái cây, hạt, xương cá, xương gà,... mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật như cúc quần áo, trang sức của trẻ em.

Khi bị hóc dị vật, trẻ sẽ có biểu hiện tức thì với biểu hiện như ngạt thở, ho sặc sụa. Bên cạnh đó, có những loại dị vật trở thành dị vật "bỏ quên" sau vài tháng, trẻ chỉ đơn thuần đến bệnh viện vì những bệnh cảnh như khò khè, viêm phổi nhiều lần. Tình huống này cũng gây khó khăn trong việc chẩn đoán.

Thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt, chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Chính vì thời gian vàng để cấp cứu cho trẻ ngắn nên người lớn cần biết cấp cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. Ngoài ra, trong chương trình của học đường cũng nên hướng dẫn cho trẻ những cách đối phó với tình huống khẩn cấp.

Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật

- Vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

- Ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.

Sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì cần khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp trẻ không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và có thể tiến hành soi gắp dị vật.

Đừng cố móc lấy vật lạ ra và dịch chuyển nó vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn.

Nuốt xương cá, cụ ông 77 tuổi thủng ruột
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang