(CAO) Theo các chuyên gia y tế, việc tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ có thể gây ra tình trạng lệ thuộc vào thuốc và các biến chứng về tim, gan, thận, thần kinh…
Hậu quả nghiêm trọng của Rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ hàng ngày đối với mỗi người là vô cùng quan trọng. Sau mỗi giấc ngủ, chức năng hoạt động của các cơ quan thần kinh được phục hồi. Như vậy, giấc ngủ không chỉ có tác dụng bảo vệ vỏ não và hệ thần kinh mà còn nâng cao sức khỏe, chống suy nhược và lão hóa. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do đã dẫn đến sự rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
Theo Ths.BS. Phạm Tiến Phương, chuyên Khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ, rối loạn giấc ngủ là tình trạng bị thiếu ngủ thường xuyên, giấc ngủ bị giảm về thời lượng (dưới 5 tiếng mỗi ngày) và/ hoặc giảm về chất lượng (khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, thường xuyên bị tỉnh giấc). Theo thống kê, có đến khoảng 30% người lớn có rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngưng thở lúc ngủ (đây là tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng), ngủ rũ, rối loạn ác mộng,...
BS Phạm Tiến Phương chia sẻ về cách phòng và trị bệnh lý rối loạn giấc ngủ cho người dân tại BV Gia An 115 TP.HCM
Rối loạn giấc ngủ thường dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng trong đó có nguy cơ đột quỵ tăng 83%; suy giảm hệ thống miễn dịch; suy nhược cơ thể, thần kinh; suy giảm trí nhớ; nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh, cơ xương khớp, gan mật…
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ như do thói quen sinh hoạt, bao gồm hút thuốc, uống nhiều cà phê, do ăn tối quá no với nhiều chất béo, người bị loạn lịch sinh hoạt trong ngày (như làm việc theo ca trong thời gian dài), có thói quen thức quá khuya, thay đổi múi giờ,… Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ cũng do bệnh lý gây ra như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhịp thức ngủ chu kỳ, thần kinh,...
Tự ý dùng thuốc điều trị, hệ lụy khó lường
Nếu một người kéo dài sự thiếu ngủ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động về thể chất cũng như tinh thần. Biểu hiện rối loạn giấc ngủ gồm sự kéo dài thời gian tiềm tàng trước khi ngủ, thức giấc ban đêm nhiều lần hoặc thức tỉnh sớm vào buổi sáng. Khi giấc ngủ không hồi phục, kéo dài sẽ gây ra các khó chịu như mệt mỏi, dễ nóng giận, lơ mơ, mất tập trung, hay quên, thậm chí gây ảo giác.
BS.Trần Quốc Tuấn, chuyên khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng đang khám và tư vấn miễn phí cho người dân về Rối loạn giấc ngủ.
Theo các chuyên gia y tế, phần lớn các rối loạn giấc ngủ có thể điều trị được nếu được chẩn đoán và can thiệp sớm, biết phối hợp giữa thuốc và các liệu pháp điều trị tổng hợp khác.
Ngoài ra, theo BS.Trần Quốc Tuấn, chuyên Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, có thể điều trị rối loạn giấc ngủ không dùng thuốc bằng máy từ trường, giúp người bệnh an thần, không lệ thuộc vào thuốc, tạo thuận vào giấc ngủ sinh lý để người bệnh ngủ nhanh hơn, chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Vì vậy, bệnh nhân cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được khám và tư vấn về điều trị rối loạn giấc ngủ, không nên tự ý dùng thuốc sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường.
Việc tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ có thể gây ra tình trạng lệ thuộc vào thuốc và các biến chứng về tim, gan, thận, thần kinh…
Bệnh nhân cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được khám và tư vấn về điều trị rối loạn giấc ngủ, không nên tự ý dùng thuốc sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường.
BS Phương khuyến cáo việc vệ sinh giấc ngủ bằng cách: Thức giấc đúng giờ hàng ngày; Giới hạn thời gian nằm trên giường về mức bình thường; Ngưng các chất kích thích (caffeine, nicotine, rượu…); Tránh ngủ ngắn ban ngày (ngoại trừ khi ngủ ngày làm cho giấc ngủ ban đêm tốt hơn); Hình thành thói quen tập thể dục buổi sáng; Tránh kích thích lúc tối, như nghe radio hoặc xem tivi; Ăn uống điều độ hàng ngày, tránh ăn quá nhiều trước khi ngủ; Các hoạt động thư giãn ban đêm như giãn cơ hay thiền, yoga; Duy trì các điều kiện để giấc ngủ thoải mái.