Tự ý dùng thuốc an thần chữa bệnh mất ngủ, hệ lụy khôn lường

Thứ Năm, 24/05/2018 13:55  | Ngô Đồng

|

(CAO) Khi bị mất ngủ triền miên, người bệnh dễ dàng tự ý sử dụng thuốc an thần để khắc phục. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây “nghiện” thuốc an thần và có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Mất ngủ ở người cao tuổi là tình trạng người cao tuổi ngủ ban đêm chỉ được dưới 4 tiếng hoặc trong những tình huống khó đi vào giấc ngủ chậm nên ngủ rất khuya hay đi vào giấc ngủ dễ dàng nhưng thức giấc sớm, sau đó trằn trọc suốt đêm. Ban ngày mệt mỏi, lừ đừ, không muốn làm bất cứ điều gì.

Nguyên nhân gây mất ngủ có thể là do môi trường xung quanh không yên tĩnh, dùng các chất gây hưng phấn trước khi ngủ như trà, cà phê hay một số loại thuốc dùng điều trị bệnh khác.

Những người nhàn rỗi nhiều, người lao động trí óc lười vận động cũng rất dễ bị mất ngủ. Ngoài ra, tình trạng đau mãn tính ở cơ, xương, khớp, dị ứng về đêm, khó thở, ngừng thở khi ngủ, co giật chân khi ngủ, những trường hợp rối loạn nhịp tim, suy tim và những rối loạn ở đường tiêu hóa như trào ngược thực quản hay những vấn đề về đường tiểu như tiểu đêm nhiều lần, tác dụng phụ của một số nhóm thuốc điều trị bệnh khác có tác động đến hệ thần kinh trung ương, thấm qua hàng rào máu não và gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Ở người tuổi trung niên và cao tuổi, trầm cảm có thể là nguyên nhân bị mất ngủ, đặc biệt là lúc gần sáng. Tình trạng lo âu mãn tính kéo dài cũng có thể mất ngủ và gây ra những cơn ác mộng trong giấc ngủ nhanh.

Theo BS Hồ Hữu Thật, Giảng viên bộ môn Nội Thần Kinh trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, kiêm Trưởng khoa Nội Thần Kinh bệnh viện An Bình, “rối loạn giấc ngủ” có thể được hiểu là giấc ngủ bị giảm về thời lượng và/hoặc giảm về chất lượng. Về thời lượng, giấc ngủ bị giảm xa dưới mức trung bình (7 – 8 giờ mỗi ngày); về chất lượng, giấc ngủ bị gián đoạn, ngủ không sâu.

Hậu quả là cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung chú ý... Rối loạn giấc ngủ có thể có nguyên căn như do bệnh lý đa khoa: dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản... và cũng có thể vô căn như stress, lo âu, trầm cảm…

BS Hồ Hữu Thật, Giảng viên bộ môn Nội Thần Kinh trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, kiêm Trưởng khoa Nội Thần Kinh bệnh viện An Bình khuyến cáo không nên lạm dụng thuốc an thần khi mất ngủ

Thuốc an thần có tác dụng ức chế hoạt động của hệ thần kinh, đưa cơ thể vào trạng thái buồn ngủ. Cũng chính nhờ cơ chế này, nhiều người thường tìm đến thuốc an thần như một biện pháp chống mất ngủ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, lạm dụng thuốc an thần sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ và để lại những hệ lụy khôn lường.

Nhiều người có thói quen tự mua các loại thuốc an thần trên thị trường và dùng không đúng liều lượng. Việc làm này không chỉ khiến tác dụng của thuốc bị giảm mà còn gây ra tình trạng nhờn thuốc. Hơn nữa, việc tự tăng liều nhằm giải quyết chứng mất ngủ nhanh chóng có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc và gây nghiện.

Nhiều người có thói quen tự mua các loại thuốc an thần trên thị trường và dùng không đúng liều lượng, điều này gây những hậu quả khó lường. Ảnh minh họa

"Việc tự ý dùng thuốc an thần, có thể giảm triệu chứng trong nhất thời nhưng có thể bị lệ thuộc vào thuốc do người dùng không đủ kiến thức chuyên môn để kiểm soát dược tính của thuốc. Nguy hiểm hơn, thuốc tác dụng chính càng hiệu quả thì thường kèm theo nhiều tác dụng phụ. Việc tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ có thể gây ra các biến chứng về tim, gan, thận, thần kinh…", BS Thật khuyến cáo.

Khi bị mất ngủ kéo dài, người bệnh nên đi khám ở các cơ sở y tế để được điều trị đúng phác đồ. Ở bệnh nhân rối loạn giấc ngủ kéo dài, quá trình khôi phục sức khỏe không được đầy đủ làm cho người bệnh thường xuyên thấy mệt nhọc, yếu đuối và có những triệu chứng khác như bần thần, chóng mặt, hay quên, bi quan, chán ăn... Rối loạn giấc ngủ kéo dài gây ra suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh.

Nên tập thể dục, chơi thể thao vào buổi sáng. Cân bằng giữa lao động trí óc, lao động tay chân, thư giãn giải trí. Tạo môi trường tuyệt đối yên tĩnh, không có ánh sáng khi ngủ. Chủ động thư giãn cơ thể không suy nghĩ miên man tập trung vào nhịp thở, làm cho cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ. Ngoài ra, nên điều trị các bệnh khác như đau nhức, dị ứng, bệnh tim mạch...

Cần chú ý trong việc tạo giấc ngủ bằng thuốc an thần, tùy theo kiểu mất ngủ, thầy thuốc sẽ chọn những loại thuốc thích hợp, không nên tự dùng thuốc ngủ, dễ làm cho cơ thể bị nghiện, thậm chí bị ngộ độc thuốc ngủ.

Để có thêm kiến thức khắc phụ tình trạng mất ngủ, người dân có thể đến tham dự chương trình Tư vấn sức khỏe và tầm soát miễn phí với chủ đề “Rối loạn giấc ngủ và cách phòng ngừa” diễn ra vào sáng thừ bảy, ngày 2-6-2018 tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (461 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10, TP.HCM). Tại đây, BS Hồ Hữu Thật, giảng viên bộ môn Nội Thần Kinh trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, kiêm trưởng khoa Nội Thần Kinh bệnh viện An Bình sẽ chia sẻ chi tiết về “Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi”. Ngoài ra, ThS.BS Dương Nguyễn Hồng Trang, giảng viên Bộ môn Nội Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch - Khoa hô hấp Bệnh viện Nhân dân Gia Định sẽ chia sẻ về “Hội chứng ngưng thở khi ngủ”.
Đột tử vì tự ý dùng thuốc thiếu máu cơ tim
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang