(CAO) Xã hội tiêu dùng của con người thải ra môi trường hàng triệu tấn rác thải. Theo một nghiên cứu mới nhất, gần 1 triệu đôi giày đã qua sử dụng, hơn 370.000 bàn chải đánh răng nằm trong số 414 triệu mảnh rác thải nhựa đã tấp vào bờ biển quần đảo Cocos (Keeling) ở Ấn Độ Dương.
Quần đảo Cocos là một thực thể địa lý nằm biệt lập phía nam khu vực phía tây quần đảo Indonesia và nằm về phía tây bắc nước Úc. Nằm chơi vơi giữa biển nhưng hằng năm nơi này hứng những sản phẩm phục vụ sinh hoạt của con người từ giày dép đến bàn chải đánh răng.
CNN dẫn nghiên cứu đăng trên tạp chí Các báo cáo khoa học hôm 17-5 cho thấy quần đảo thuộc lãnh thổ nước Úc này hứng đến 238 tấn rác thải nhựa do các dòng hải lưu đẩy tới tấp vào bờ, mặc dù nơi đây hiện chỉ là nơi cư ngụ của 500 người.
Ngoài các vật dụng trên còn có các sản phẩm cá nhân khác như dép, nắm chai, ống hút nhựa.
Một trong số rác thải tấp bờ ở đảo Cocos - Ảnh: Scientific Reports
CNN dẫn lời nhà khoa học nghiên cứu về chất độc học ảnh hưởng đến hệ sinh thái hải dương - Jennifer Lavers đến từ Đại học Tasmania nhận định: “Ô nhiễm rác thải nhựa hiện đang hiển hiện ở tất cả các đại dương của chúng ta, và các hòn đảo ngoài khơi xa là nơi lý tưởng để có cái nhìn khách quan về lượng rác thải nhựa hiện đang thải ra trên toàn cầu”.
Lavers cho biết con số 414 triệu mảnh nhựa chỉ là ước tính tương đối vì nhóm nghiên cứu chỉ lấy mẫu khi đào xuống độ sâu 10 cm ở bãi biển, cùng việc nhóm chưa thể tiếp cận các bãi biển được xem là “điểm nóng” khác.
Hồi năm 2017, nhóm nghiên cứu của Lavers cũng trưng ra bằng chứng cho thấy đảo Henderson nằm ở ngoài khơi xa khu vực nam Ấn Độ Dương có lượng rác thải nhựa nhiều nhất so với bất cứ đâu trên Thế giới.
Vị trí quần đảo Cocos - Ảnh: Google Maps
Với thực trạng này, nhóm nghiên cứu cho rằng giải pháp khả thi nhất là giảm sản lượng các sản phẩm từ nhựa cũng như giảm lượng tiêu dùng chúng, cùng lúc với việc cải tiến năng lực quản lý và xử lý rác thải để ngăn lượng rác thải này thải ra các đại dương.