“Tôi học để có thể thành công trong cuộc sống” - anh nói với CNN. “Khi bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ có thể kiếm được một công việc”.
Hiện tại, Kumar đã có một công việc, nhưng đó không phải là công việc mà anh đã theo học – và không phải là công việc mà anh hằng mơ ước.
Kumar đã dành 5 năm qua để làm công việc lao công tại một trường học trong làng của mình, một công việc toàn thời gian kèm theo một công việc khác là dạy kèm cho các học sinh nhỏ tuổi. Tất cả giúp Kumar kiếm được khoảng 85USD/tháng.
Số tiền đó không nhiều, anh thừa nhận, đặc biệt là khi anh cần phải giúp đỡ cha mẹ già và một em gái, nhưng đó là tất cả những gì anh có. Kumar nói, lý tưởng nhất là bản thân sẽ làm giáo viên và tận dụng bằng cấp mà mình sở hữu. Nhưng hiện tại, Kumar nói với CNN: “Tôi phải lao động chân tay chỉ để có thể nuôi sống bản thân mình”.
Hoàn cảnh của Kumar không phải là bất thường và là tình trạng khó khăn mà hàng triệu thanh niên Ấn Độ khác phải đối mặt. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong nước đang tăng mạnh, một sự phát triển có nguy cơ làm suy yếu thành tựu của “đứa con cưng mới” của nền kinh tế thế giới vào đúng thời điểm được cho là sẽ thực sự cất cánh.
Sunil Kumar sở hữu bằng thạc sĩ nhưng công việc vẫn bấp bênh - Ảnh: CNN
Vị thế mới của Ấn Độ với tư cách là quốc gia đông dân nhất thế giới đã thúc đẩy hy vọng về một nhân tố trẻ trung cho nền kinh tế toàn cầu ngay khi dân số Trung Quốc bắt đầu giảm và già đi. Không giống như Trung Quốc, dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ tương đối trẻ, đang phát triển và được dự đoán sẽ đạt một tỷ người trong thập kỷ tới – một nguồn lao động và tiêu dùng rộng lớn mà một quan chức chính quyền Mỹ đã gọi là “phép màu kinh tế”.
Nhưng đối với những thanh niên Ấn Độ như Kumar, có một mặt trái của cái gọi là phép màu này: quá ít việc làm và quá nhiều cạnh tranh.
Từ “kỳ tích” đến vỡ mộng
Trái ngược với Trung Quốc, nơi các nhà kinh tế lo ngại sẽ không có đủ nguồn lao động để hỗ trợ số lượng người già ngày càng tăng, ở Ấn Độ, mối lo ngại chính là không có đủ việc làm để hỗ trợ số lượng người trẻ gia nhập lực lượng lao động ngày càng tăng.
Trong khi những người dưới 25 tuổi chiếm hơn 40% dân số Ấn Độ, thì gần một nửa trong số họ – 45,8% – đã thất nghiệp tính đến tháng 12 năm 2022, theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Mumbai, nơi công bố dữ liệu việc làm thường xuyên hơn chính phủ Ấn Độ.
Một số nhà phân tích đã mô tả tình hình với CNN rằng tình trạng hiện nay như một "quả bom hẹn giờ", cảnh báo về khả năng xảy ra bất ổn xã hội trừ khi có thể tạo ra nhiều việc làm hơn.
Kumar, giống như những người khác ở vị trí của mình, biết rất rõ sự thất vọng có thể hình thành khi khan hiếm việc làm.
“Tôi rất tức giận vì mình không có một công việc thành công mặc dù trình độ và học vấn của mình không tệ” - anh nói. “Chính phủ có trách nhiệm trong việc này. Họ cần phải mang lại công việc cho người dân của mình.
Tin xấu cho những người như Kumar và chính phủ Ấn Độ là các chuyên gia cảnh báo vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi dân số tăng lên và cạnh tranh việc làm ngày càng gay gắt hơn.
Kaushik Basu, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell (Mỹ) và là cựu cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ, đã mô tả tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Ấn Độ là “cao một cách đáng kinh ngạc”.
Ông nói: “Nó đã tăng chậm trong một thời gian dài, chẳng hạn như trong khoảng 15 năm rồi bắt đầu tăng vọt. Nếu nhóm người đó không tìm được đủ việc làm thì điều được coi là cơ hội, sự phình to trong lợi tức nhân khẩu học đó, có thể trở thành thách thức và vấn đề lớn đối với Ấn Độ”.
‘Sự cạnh tranh ở khắp mọi nơi’
Các nhà kinh tế cho biết Ấn Độ có nhiều lựa chọn khác nhau để giải quyết các vấn đề nhân khẩu học này – trong số đó chính là phát triển một ngành sản xuất thâm dụng lao động và cạnh tranh toàn cầu, chiếm dưới 15% việc làm vào năm 2021, theo Capital Economics, một con số tương đối thấp.
Nhưng những bước đi như vậy ở cấp độ vĩ mô sẽ giúp ích rất ít cho những người đang gặp khó khăn hiện nay. Những học sinh trung học như Megha Kumari, hiện đang phải học hành trong điều kiện khắc nghiệt hơn bao giờ hết để có được lợi thế trong cuộc đua.
Kumari, 17 tuổi, đã rời quê hương Dumka, ở bang Jharkhand phía đông, để theo học tại Học viện Vibrant ở Kota, một thành phố ở bang Rajasthan phía bắc – cách đó hơn 1.300 km.
Anh Sarang Agrawal (giữa) 4 lần thi công chức nhưng không đậu - Ảnh: CNN
Học viện là một trong số những trung tâm luyện thi nơi những học sinh hy vọng đủ điều kiện vào các trường đại học hàng đầu sẽ đến để học thêm bằng cách tham gia các khóa học luyện thi bổ sung và các buổi dạy kèm.
Kumari coi đây là cơ hội tốt nhất để thực hiện ước mơ trở thành giáo sư, nhưng em phải trả giá đắt về mặt tài chính và cá nhân.
Ở một quốc gia mà mức lương trung bình cho những người làm việc toàn thời gian bình thường là khoảng 225USD/tháng, theo số liệu gần đây nhất của chính phủ, học phí cho một năm tại học viện dao động từ khoảng 145 USD đến 1.872 USD.
Kumari cho biết: “Môi trường thực sự rất cạnh tranh. Sống một mình, xa gia đình và trải qua tất cả những căng thẳng đó là điều khó khăn đối với một học sinh”.
Trong khi đó Sarang Agrawal, 28 tuổi, đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức Ấn Độ, cho biết: “Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã phải đối mặt với sự cạnh tranh này. Ở Ấn Độ, kỳ thi nào cũng có sự cạnh tranh. Có sự cạnh tranh ở khắp mọi nơi”.
Không có 'kế hoạch B'
Giống như Kumar và Kumari, Agrawal biết tất cả về môi trường cạnh tranh xung quanh mà mình phải chịu. Anh nằm trong số hơn 1 triệu người nộp đơn mỗi năm cho một vị trí trong nền công vụ Ấn Độ.
Đây là một trong những công việc được săn đón nhiều nhất của đất nước và với chưa đến 1% số người nộp đơn được chọn, cả một ngành công nghiệp đã phát triển xung quanh việc giúp mọi người chạm tay vào thứ mà họ coi là tấm vé vàng.
Madhusudan là giám đốc nội dung và chiến lược tại Study IQ, một trung tâm luyện thi vào công chức cho biết: “Khi dân số tăng lên, sự cạnh tranh cũng tăng lên, vì vậy cơ hội của mọi người giảm đi trong kỳ thi tuyển công chức”.
Ông nói, giới trẻ Ấn Độ đang cảm thấy áp lực.
“Bạn có thể thấy mức độ căng thẳng rất cao trong những ngày này của các sinh viên. Các sinh viên đến gặp tôi và nói 'Thưa thầy, em không ngủ được”.
Có rất ít thời gian. Không có đời sống xã hội, không có đời sống tình cảm” - như Agrawal đã nói, “nhưng ít nhất chúng ta có một mục tiêu”.
Tuy nhiên, trong thị trường cạnh tranh nhất này, ngay cả những người năng động nhất cũng bị thử thách đến giới hạn của mình.
Agrawal đã 4 lần thi công chức mà không đậu. Tiếp tục với ước mơ của mình khiến gia đình anh phải trả giá đắt, khoảng 3.000 USD/năm khi tính cả học phí, thức ăn và nhà ở.
“Gia đình có thể mua 3-4 chiếc ô tô với số tiền chi cho tôi” - Agrawal nói. Anh cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục cố gắng.
“Không có kế hoạch B nào cả” - anh nói với CNN.