(CAO) Ấn Độ kêu gọi Mỹ không nên có "quan điểm hạn hẹp" về thỏa thuận xây cảng với Iran, sau một ngày Washington cảnh báo rằng các quốc gia thực hiện giao dịch kinh doanh với Tehran có nguy cơ bị trừng phạt.
Trước đó, Ấn Độ đã ký thỏa thuận 10 năm với Iran để phát triển cảng Chabahar có tầm quan trọng chiến lược.
Mỹ cho biết bất kỳ quốc gia nào đang xem xét các thỏa thuận kinh doanh với Iran "cần phải nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn".
Nhưng Delhi đã ủng hộ động thái này và cho hay thỏa thuận này sẽ có lợi cho khu vực.
“Tôi nghĩ vấn đề là giao tiếp, thuyết phục và khiến mọi người hiểu rằng điều này thực sự vì lợi ích của mọi người. Tôi không nghĩ mọi người có cái nhìn hạn hẹp về nó” - Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar nói với các phóng viên. Ông trả lời câu hỏi về nhận xét của Mỹ đối với thỏa thuận này.
Ông Jaishankar nói thêm rằng trước đây, Mỹ cũng "đánh giá cao việc Chabahar có tầm quan trọng lớn hơn" và rằng cần phải có một thỏa thuận lâu dài với Iran để cải thiện hoạt động của cảng.
Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng việc vận hành cảng sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực”.
Ấn Độ lần đầu tiên ký thỏa thuận phát triển cảng Chabahar, gần biên giới Iran với Pakistan, vào năm 2016. Cảng này đã tiếp quản hoạt động vào cuối năm 2018.
Cảng đã mở tuyến trung chuyển hàng hóa và sản phẩm của Ấn Độ tới Afghanistan và Trung Á, tránh tuyến đường bộ qua Pakistan - hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan có mối quan hệ căng thẳng.
Các quan chức thông tin, cho đến nay, 2,5 triệu tấn lúa mì và 2.000 tấn đậu đã được vận chuyển từ Ấn Độ đến Afghanistan thông qua cảng Chabahar.
Theo thỏa thuận mới, Ấn Độ dự kiến sẽ phát triển cảng hơn nữa bằng cách đầu tư khoảng 370 triệu USD vào dự án.
Bộ trưởng vận tải nước này gọi đây là "thời điểm lịch sử trong quan hệ Ấn Độ-Iran".
Nhưng Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết Washington sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Ông Patel nói thêm: “Bất kỳ thực thể nào, bất kỳ ai đang xem xét các giao dịch kinh doanh với Iran – họ cần phải nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn mà họ đang phải đối mặt và nguy cơ tiềm ẩn của các biện pháp trừng phạt”.
Là đồng minh quan trọng của Ấn Độ, Mỹ có mối quan hệ căng thẳng với Tehran. Nước này đã áp đặt hơn 600 lệnh trừng phạt đối với các thực thể liên quan đến Iran trong ba năm qua.