(CAO) Hôm 11-12, AP đưa tin hai năm sau khi trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 được ghi nhận trên Thế giới, các nhà khoa học vẫn đang “vật lộn” để xác định nguồn gốc ban đầu của virus.
Nhiều nhà khoa học tin rằng virus này đã được lây truyền từ dơi sang người sau khi nó xuất hiện ngoài tự nhiên, làm dấy lên những lo ngại mới rằng việc lây truyền từ động vật sang người có thể xảy ra nhiều hơn trong tương lai - và gây ra đại dịch thậm chí còn gây chết người hơn cả Covid.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), con người có thể lây lan Covid cho động vật khi tiếp xúc gần nhưng nguy cơ động vật truyền bệnh cho người là thấp.
Kể từ khi Covid xuất hiện, nhiều loại động vật đã bị nhiễm bệnh, bao gồm cả mèo, chó và chồn, động vật trong sở thú, điển hình là các loài mèo lớn (hổ, báo), rái cá và các loài linh trưởng không phải người; chồn nuôi trong trang trại.
David O’Connor, một chuyên gia virus học tại Đại học Wisconsin-Madison nhận định: “Trên khắp thế giới, chúng ta có thể có những động vật có khả năng ấp những biến thể này ngay cả khi chúng ta kiểm soát được (Covid-19) ở người”.
Ông O'Conner là một trong 20 tác giả đã viết bài báo liên kết động vật với sự lây lan của virus.
Tiến sĩ Michael Worobey, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Arizona nhận định giả thuyết virus lây truyền lần đầu tiên bởi một con vật có nhiều khả năng hơn là do nó bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm mà một số người đã đặt ra, mặc dù ông thừa nhận cả hai đều là giả thuyết khả thi.
Tiến sĩ Worobey cho biết ông ngày càng tin tưởng hơn về giả thuyết virus ban đầu lây truyền từ động vật, một giả thuyết "được dữ liệu hỗ trợ nhiều hơn".
Một khu chợ bán thực phẩm tươi sống ở Vũ Hán - Ảnh: AP
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cell, tất cả các chủng coronavirus trước đây mà con người ghi nhận đều có nguồn gốc từ động vật. Bài báo nói rằng Covid-19 là chủng oronavirus thứ 9 được ghi nhận có khả năng lây nhiễm sang người.
"Sự xuất hiện của SARS-CoV-2 mang một số dấu hiệu của các sự kiện lây nhiễm từ động vật trước đó. Nó cho thấy những điểm tương đồng rõ ràng với SARS-CoV đã lây sang người ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 11-2002, và một lần nữa ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông vào năm 2003" - nghiên cứu cho biết.
"Cả hai sự kiện xuất hiện SARS-CoV này đều liên quan đến các chợ bán động vật tươi sống và các loài liên quan, đặc biệt là cầy hương".
Các tác giả của bài báo cho biết việc không xem xét điều tra nguồn gốc động vật của virus “sẽ khiến thế giới dễ bị tổn thương bởi các đại dịch trong tương lai phát sinh từ chính các hoạt động của con người đã nhiều lần đưa chúng ta vào cuộc va chạm với các loại virus mới”.
Các chuyên gia cho biết việc ngăn chặn bệnh truyền từ động vật lây sang người sẽ không chỉ đòi hỏi phải ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã mà còn phải đạt được tiến bộ trong các vấn đề toàn cầu lớn làm tăng nguy cơ tiếp xúc giữa người và động vật, chẳng hạn như việc phá hủy môi trường sống và biến đổi khí hậu.