(CAO) Theo RT ngày 29-9 dẫn lời Giám đốc Trung tâm khí tượng và khí hậu Indonesia (BMKG) cho biết, đã có sai sót trong việc ghi nhận sóng thần, khiến cảnh báo bị gỡ bỏ ngay trước khi đợt sóng thần ập vào thành phố Palu, trên đảo Sulawesi, khiến hơn 400 người thiệt mạng.
Được biết, cảnh báo đã được gỡ bỏ sau 34 phút được đưa ra, trong khi nhiều khả năng sóng thần xuất hiện ngay sau đó. Điều này được BMKG lý giải là do các cảm biến được bố trí cách Palu tới 200 km, cảm biến tại đó đưa ra thông báo các cơn sóng chỉ cao 6 cm. Trong khi các đợt sóng thần lại xuất hiện gần hơn khoảng cách đặt cảm biến.
Điều này đã khiến cho dư luận ở Indonesia hết sức tức giận khi cảnh báo bị gỡ bỏ, dù chưa xác định chính xác thời điểm cảnh báo bị gỡ là trước hay sau khi sóng thần xuất hiện. Dư luận cho rằng vì cảnh báo bị gỡ, khiến nhiều người mất cảnh giác dẫn tới thiệt hại lớn về nhân mạng.
Cơn sóng thần ập vào thành phố Palu, trên đảo Sulawesi, Indonesia - Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, ngay cả giới chuyên gia cũng cho rằng, sóng thần ập vào thành phố Palu là điều không có trong dự tính. Nhiều khả năng đã có một tác động khác gây ra sóng thần, chẳng hạn như: lở đất dưới biển tạo thành một hố lớn kéo theo lượng nước lấp đầy chỗ trống đó, khu vực Palu có địa hình dài và hẹp làm tăng sức mạnh của các đợt sóng,...
Hai trận động đất liên tiếp xảy ra với cường độ 7,5 và 7,7 độ richter, vào ngày 28-9. Trong trận đầu tiên bắt đầu lúc 17 giờ 2 (theo giờ Hà Nội), hậu quả khiến một người chết và ít nhất 10 người bị thương ở Donggala. Trận động đất thứ hai là dư chấn của trận đầu, gây ra ít thiệt hại hơn nhưng lại đi kèm với sóng thần cao tới 6 m.
Con số hơn 400 người thiệt mạng vẫn chưa phải là con số chính thức, còn thiệt hại vật chất ước tính lên tới hàng chục triệu USD. Công tác cứu hộ đang được gấp rút tiến hành nhưng một số nơi vẫn chưa thể tiếp cận được do bị tàn phá nặng nề. Quân đội Indonesia đã điều máy bay mang hàng viện trợ, cũng như bổ sung nhiều nhân lực để khắc phục hậu quả của thảm họa kép.