(CAO) Hôm qua 11-8, Hy Lạp và các chủ nợ “trên nguyên tắc” đã đạt được thỏa thuận về các điều kiện tổng quát cho một gói cứu trợ tài chính sẽ cung cấp 86 tỉ euro (94 tỉ USD) cho Athens.
Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết đây là kết quả sau 23 giờ họp xuyên đêm căng thẳng từ ngày 10 đến ngày 11-8 giữa chính quyền Athens và các bên là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ủy ban Châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cơ chế bình ổn châu Âu ( ESM) .
Phát biểu trên đài truyền hình Hy Lạp Skai TV, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos cho biết về cơ bản các bên đã đạt được đồng thuận chung, chỉ còn bất đồng ở “một hoặc hai vấn đề nhỏ”.
Gói cứu trợ tài chính lần này có quy mô dự kiến lên đến 94 tỉ USD, được giải ngân cho Athens trong vòng 3 năm. Tuy nhiên quy mô của gói cứu trợ lần này có đến con số 94 tỉ USD hay không vẫn chưa được các bên đàm phán xác nhận.
Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" do các chủ nợ đặt ra là nguyên nhân châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình ở Hy Lạp trong thời gian qua - Ảnh: Reuters
Có ba vấn đề chính mà Hy Lạp và các chủ nợ đem ra thảo luận trong phiên đàm phán hôm qua. Một là: mục tiêu về ngân sách của Hy Lạp. Năm 2015 thâm hụt 0,25% GDP. Đến năm 2016 phải thặng dư (thu ngân sách lớn hơn các khoản chi) 0,5% rồi thặng dư ngân sách lên 3,5% trong hai năm tiếp theo.
Hai là: Athens phải đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Hy Lạp muốn thành lập một ngân hàng thu mua nợ xấu để giải quyết vấn đề này.
Ba là: thành lập một quỹ đầu tư huy động vốn từ việc tư nhân hóa tài sản công. Hiện các giải pháp về xử lý nợ xấu và lập quỹ bán các tài sản của nhà nước vẫn còn là bất đồng giữa Athens và các chủ nợ.
Tuy nhiên việc Hy Lạp đạt được thỏa thuận về gói giải cứu tài chính đang được cộng đồng quốc tế hoan nghênh nhiệt liệt khi nó phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán giữa Athens và các chủ nợ. Nếu được quốc hội Hy Lạp thông qua trong tuần này và được các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro họp thông qua vào ngày 14-8 tới đây, Hy Lạp sẽ được giải ngân trước ngày 20-8 để hoàn trả khoản vay 3,5 tỉ USD với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Thỏa thuận lần này cũng giảm thiểu nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi khối đồng euro. Tuy nhiên, quốc tế đang chờ tin thỏa thuận này có được quốc hội Hy Lạp thông qua hay không khi vẫn còn nhiều ý kiến phản đối cho rằng chính quyền Athens nhượng bộ trước các yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ để có được gói cứu trợ tài chính.