(CAO) Hôm 28/7, CNN đưa tin Mỹ sẽ tái cơ cấu lực lượng quân sự của mình tại Nhật Bản trong bối cảnh hai nước tiến tới tăng cường hợp tác quốc phòng.
Các chuyên gia đánh giá đây là một bước đi sâu rộng nhằm hiện đại hóa liên minh giữa hai nước trước các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng ở châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken và những người đồng cấp Nhật Bản Minoru Kihara và Yoko Kamikawa đã công bố kế hoạch này trong một tuyên bố chung sau cuộc họp ở Tokyo.
Theo kế hoạch mới, lực lượng Mỹ ở Nhật Bản sẽ được "tái tổ chức" thành trụ sở lực lượng chung, có nhiệm vụ báo cáo cho Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm "tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng tương tác và hợp tác sâu sắc hơn trong các hoạt động song phương chung trong thời bình và trong các tình huống bất ngờ".
Quan chức Mỹ họp tại Tokyo bàn về tăng cường hợp tác an ninh với Nhật - Ảnh: Reuters
Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh ở Washington rằng họ sẽ “nâng cấp” khuôn khổ chỉ huy và kiểm soát tương ứng của họ “để tăng cường khả năng răn đe và thúc đẩy xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và mở trước những thách thức về an ninh khu vực”.
Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản (USFJ) có trụ sở chính là Căn cứ Không quân Yokota, bao gồm khoảng 54.000 nhân viên quân sự đồn trú tại Nhật Bản theo hiệp ước an ninh và hợp tác chung năm 1960.
“Chúng tôi coi đây là một thông báo mang tính lịch sử trong số những bước cải thiện mạnh mẽ nhất trong mối quan hệ quân sự giữa chúng ta trong 70 năm qua. Điểm mấu chốt là một sự thay đổi mang tính biến đổi” - một quan chức nói với CNN.
“Khi quá trình chuyển đổi này hoàn tất, USFJ sẽ có vai trò lãnh đạo trực tiếp trong việc lập kế hoạch và lãnh đạo các lực lượng Mỹ trong cả thời bình và trong các cuộc khủng hoảng tiềm tàng, và họ sẽ làm điều đó cùng với các lực lượng Nhật Bản trong sự hợp tác sâu rộng hơn bao giờ hết” - vị quan chức này khẳng định.
Việc tái cơ cấu dự kiến diễn ra khi Nhật Bản thay đổi tư duy phòng thủ, với kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP vào năm 2027 nhằm đạt được khả năng phản công.
Những thay đổi này đã củng cố vị trí trung tâm của Nhật Bản trong chiến lược an ninh khu vực của Washington; thúc đẩy nước này tăng cường phối hợp với các đồng minh và đối tác trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.