(CAO) Nhật Bản đã đánh dấu kỷ niệm 12 năm thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân lớn bằng một phút mặc niệm vào ngày 11-3, trong bối cảnh gia tăng lo ngại trước kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển và việc chính phủ quay trở lại phát triển năng lượng hạt nhân.
Trận động đất và sóng thần cường độ 9 độ richter đã tàn phá phần lớn bờ biển phía đông bắc Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, khiến hơn 22.000 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 3700 người chết sau đó có liên quan đến thảm họa.
Một khoảnh khắc mặc niệm được cử hành trên toàn quốc vào lúc 14h46 ngày 11-3, thời điểm trận động đất xảy ra.
Một số cư dân ở các tỉnh Iwate và Miyagi phía bắc Nhật Bản bị sóng thần tấn công đã đi bộ xuống bờ biển để cầu nguyện cho những người thân yêu của họ và 2519 hài cốt chưa được tìm thấy.
Tại Tomioka, một trong những thị trấn ở tỉnh Fukushima, nơi các cuộc tìm kiếm ban đầu phải bị hủy bỏ do phóng xạ, lính cứu hỏa và cảnh sát dùng gậy và cuốc cào dọc bờ biển để tìm kiếm hài cốt nạn nhân hoặc đồ đạc của họ.
Tại một trường tiểu học ở Sendai, phía bắc Fukushima, những người tham gia đã thả hàng trăm quả bóng bay đầy màu sắc để tưởng nhớ những người đã mất.
Tại Tokyo, hàng chục người đã tập trung tại một sự kiện kỷ niệm ở công viên trung tâm thành phố và các nhà hoạt động chống hạt nhân đã tổ chức một cuộc biểu tình.
Trận động đất và sóng thần ập vào nhà máy điện hạt nhân ven biển Fukushima Daiichi đã phá hủy các chức năng cung cấp năng lượng và làm mát của nó, gây ra sự cố tan chảy lõi hạt nhân ở ba trong số sáu lò phản ứng. Sự cố đã thải ra lượng phóng xạ khổng lồ khiến hàng chục nghìn cư dân phải sơ tán.
Nhiều người Nhật tập trung tưởng niệm nạn nhân động đất, sóng thần
Hơn 160.000 người đã rời đi tại một thời điểm và khoảng 30.000 người không thể quay trở lại do ảnh hưởng bức xạ lâu dài hoặc các vấn đề sức khỏe. Nhiều người trong số những người sơ tán đã tái định cư ở nơi khác và hầu hết các thị trấn bị ảnh hưởng đều chứng kiến sự sụt giảm dân số đáng kể trong thập kỷ qua.
Tỉnh trưởng tỉnh Fukushima - Masao Uchibori cho biết việc khử nhiễm và tái thiết đã đạt được tiến bộ, nhưng "vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn".
Ông cho biết nhiều người vẫn đang rời đi và tỉnh đang phải chịu gánh nặng với việc dọn dẹp ô nhiễm từ nhà máy và những tin đồn về tác động của việc xả nước đã qua xử lý sắp tới.
Nhà điều hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo Holdings, và chính phủ đang chuẩn bị những bước cuối cùng để thải ra biển hơn 1,3 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý, bắt đầu trong những tháng tới.
Chính phủ cho biết việc xả nước có kiểm soát sau khi xử lý đến mức an toàn là hoàn toàn chấp nhận được, nhưng nhiều người dân cũng như các nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương phản đối điều này. Các cộng đồng đánh cá ven biển là những bên bị ảnh hưởng nhiều nhất trước quyết định này.
Trong bài phát biểu của mình vào tuần trước, Uchibori kêu gọi chính phủ nỗ lực hết sức để ngăn chặn những tin đồn tiêu cực về việc xả nước làm tổn hại thêm hình ảnh của Fukushima.
Thủ tướng Nhật - Fumio Kishida trong khi đó đã tái cam kết hỗ trợ các nỗ lực tái thiết đang diễn ra. Phát biểu tại buổi lễ, ông không đề cập đến chính sách tối đa hóa năng lượng hạt nhân hay giải quyết vấn đề xả nước.
Chính phủ của Kishida đã đảo ngược chính sách loại bỏ hạt nhân đã được áp dụng sau thảm họa năm 2011, và thay vào đó đang thúc đẩy một kế hoạch tối đa hóa việc sử dụng năng lượng hạt nhân để giải quyết các mối lo ngại về nguồn cung năng lượng do cuộc chiến của Nga với Ukraine gây ra trong khi đáp ứng các yêu cầu hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Mục tiêu của Uchibori là tăng cường cung cấp năng lượng tái tạo cho 100% nhu cầu của tỉnh Fukushima vào năm 2040. Tuần trước, ông nói rằng mặc dù chính sách năng lượng là nhiệm vụ của chính quyền trung ương, nhưng ông muốn họ nhớ rằng Fukushima vẫn tiếp tục hứng chịu thảm họa hạt nhân.