(CAO) Hôm 22-10, AFP đưa tin Úc và Nhật Bản đã nhất trí chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm hơn và hợp tác quân sự sâu sắc hơn, đồng thời ký một hiệp ước an ninh nhằm đối phó với sự gia tăng quân sự của Trung Quốc.
Theo đó, Thủ tướng Nhật - Fumio Kishida và người đồng cấp Úc - mAnthony Albanese đã ký thỏa thuận tại thành phố Perth của bang Tây Úc, sửa đổi thỏa thuận 15 năm được soạn thảo khi chủ nghĩa khủng bố và phổ biến vũ khí là những mối quan tâm hàng đầu.
"Tuyên bố mang tính bước ngoặt này gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới khu vực liên kết chiến lược của chúng ta", ông Albanese nói và ca ngợi "tuyên bố chung về hợp tác an ninh".
Theo thỏa thuận, hai nước nhất trí các lực lượng quân sự sẽ huấn luyện cùng nhau ở Bắc Úc, và sẽ "mở rộng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo", các quan chức Úc cho biết.
Trong khi đó thủ tướng Nhật Kishida nói rằng thỏa thuận này là phản ứng đối với một "môi trường chiến lược ngày càng khắc nghiệt".
Nhật Bản không có cơ quan gián điệp nước ngoài tương tự như CIA của Mỹ, MI6 của Anh, FSB của Nga hay cơ quan nhỏ hơn nhiều như ASIO của Úc.
Nhưng theo chuyên gia Bryce Wakefield, Úc và Nhật Bản có năng lực nghe lén điện tử và vệ tinh công nghệ cao cung cấp thông tin tình báo vô giá về đối thủ.
Wakefield, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế Australia, cho biết thỏa thuận này cũng có thể có ý nghĩa rộng lớn hơn, cung cấp một khuôn mẫu để Nhật Bản đẩy nhanh quan hệ tình báo với các nước như Anh.
Một số người thậm chí còn coi hiệp định này là một bước tiến nữa để Nhật Bản tham gia liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn hùng mạnh giữa Úc, Anh, Canada, New Zealand và Hoa Kỳ.
Hai thủ tướng Nhật và Úc gặp nhau tại thành phố Perth - Ảnh: AFP
Ken Kotani, một chuyên gia về lịch sử tình báo Nhật Bản tại Đại học Nihon, nói với AFP rằng đây là "một sự kiện mang tính kỷ nguyên mà Nhật Bản có thể chia sẻ thông tin tình với một quốc gia nước ngoài, ngoại trừ Hoa Kỳ".
"Điều này sẽ củng cố khuôn khổ của Bộ tứ (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ) và là bước đầu tiên để Nhật Bản tham gia Ngũ Nhãn", ông nói thêm.
Một gợi ý như vậy sẽ không thể tưởng tượng được cách đây vài thập kỷ. Nhưng các sự kiện ở khu vực lân cận của Nhật Bản đã buộc Tokyo phải suy nghĩ lại về các chính sách hòa bình của đất nước được thiết lập sau Thế chiến thứ hai.
Trong những năm gần đây, CHDCND Triều Tiên đã liên tục phóng tên lửa xung quanh Nhật Bản, trong khi Trung Quốc đã xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, cải tiến đội quân thường trực lớn nhất thế giới ngay trước cửa Nhật Bản.
Nhưng các rào cản vẫn còn đối với sự hợp tác an ninh chặt chẽ hơn của Tokyo với các đồng minh.
Việc chia sẻ thông tin tình báo của Nhật Bản với Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã bị cản trở bởi những lo ngại lâu nay về khả năng của Tokyo trong việc xử lý tài liệu mật nhạy cảm và truyền tải nó một cách an toàn.
Hai thủ tướng Kishida và Albanese cũng cam kết hợp tác nhiều hơn về an ninh năng lượng.
Nhật Bản là khách hàng mua khí đốt lớn của Úc và đã đặt một loạt cược lớn vào năng lượng hydro được sản xuất tại Úc, khi nước này cố gắng giảm bớt tình trạng thiếu sản xuất năng lượng trong nước và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
"Nhật Bản nhập khẩu 40% khi đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) từ Úc. Vì vậy, điều rất quan trọng đối với Nhật Bản là phải có mối quan hệ ổn định với Úc, từ khía cạnh năng lượng", một quan chức Nhật Bản cho biết trước cuộc họp.