(CAO) Hôm 2-4, BBC đưa tin quốc gia vùng Nam Á - Sri Lanka phải áp đặt tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh biểu tình lan rộng.
Tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc đã được ban bố ở Sri Lanka, một ngày sau khi các cuộc biểu tình bên ngoài dinh thự của tổng thống trở thành bạo động.
Quân đội kể từ đó đã được triển khai và hiện có quyền bắt giữ những kẻ tình nghi mà không cần trát lệnh.
Sri Lanka đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Nguyên nhân một phần là do thiếu ngoại tệ, được sử dụng để thanh toán cho việc nhập khẩu nhiên liệu. Đối mặt với tình trạng cắt điện kéo dài từ nửa ngày trở lên, thiếu nhiên liệu và thực phẩm, thuốc men thiết yếu khiến sự tức giận của công chúng đã lên đến mức cao mới ở quốc đảo 22 triệu dân này.
Cuộc biểu tình bên ngoài nhà của Tổng thống Rajapaska đã bắt đầu một cách hòa bình, nhưng những người tham gia cho biết mọi thứ trở nên bạo lực sau khi cảnh sát bắn hơi cay, vòi rồng và đánh những người có mặt. Những người biểu tình đã trả đũa cảnh sát bằng cách ném đá vào họ.
Sri Lanka lâm vào khủng hoảng kinh tế - Ảnh: BBC
Theo một quan chức được hãng tin Reuters trích dẫn, ít nhất hai chục nhân viên cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ.
53 người biểu tình đã bị bắt và truyền thông địa phương đưa tin rằng 5 người chụp ảnh đưa tin đã bị giam giữ tại một đồn cảnh sát.
Bất chấp cuộc đàn áp, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, và lan sang các vùng khác của đất nước.
Những người biểu tình ở thủ đô mang theo biểu ngữ kêu gọi tổng thống từ chức. Quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã gây sốc cho nhiều người. Đây là một trong những đạo luật hà khắc nhất ở Sri Lanka được triển khai trong các tình huống "đe dọa đặc biệt, nguy hiểm hoặc thảm họa".