(CAO) Bộ chỉ huy Vũ trụ Mỹ cho biết tên lửa Trung Quốc đã vỡ khi bay trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất tạo ra đám mây mảnh vỡ, biến nó trở thành một loại rác thải trong không gian.
Theo nhiều tổ chức theo dõi mảnh vỡ không gian, một trong những tên lửa Trường Chinh 6A của Trung Quốc đã nổ vỡ trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất và tạo ra một đám mây mảnh vụn gồm hàng trăm mảnh.
Tên lửa được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên vào ngày 6/8 để đưa 18 vệ tinh G60 lên quỹ đạo, đánh dấu lần triển khai đầu tiên để xây dựng “chòm sao nhân tạo” Thousand Sails của tập đoàn Công nghệ vệ tinh Spacecom Thượng Hải.
"Siêu vệ tinh" cuối cùng này sẽ bao gồm 1.296 vệ tinh nhỏ hơn trong khi Bắc Kinh có kế hoạch mở rộng công suất lên khoảng 14.000 vệ tinh để cạnh tranh với các vệ tinh Starlink của công ty Mỹ SpaceX.
Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ (USSPACECOM), một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận vụ nổ tên lửa hôm 8/8.
Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ cho hay: “USSPACECOM nhận thấy không có mối đe dọa tức thời nào và tiếp tục tiến hành các đánh giá kết hợp định kỳ để hỗ trợ sự an toàn và bền vững của lĩnh vực không gian”.
Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đang tiếp tục theo dõi các mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc và cung cấp thông tin cho Cơ quan Hàng không, vũ trụ Mỹ (NASA).
Rob Margetta, nhân viên phụ trách các vấn đề công cộng tại trụ sở NASA nói: “Không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với trạm vũ trụ quốc tế được quan sát do sự tan rã này”.
Một tên lửa Trường Chinh 6A của Trung Quốc được phóng lên không gian
Người ta tin rằng tên lửa này của Trung Quốc đã vỡ ra ở độ cao 503 dặm (810 km) so với bề mặt Trái đất và các mảnh vỡ gây ra “mối nguy hiểm đáng kể cho các vệ tinh khác bay ở quỹ đạo tầm thấp của Trái đất” ở độ cao dưới 497 dặm (800 km), theo Slingshot.
Hệ thống cảm biến Horus của Slingshot, cung cấp khả năng theo dõi vệ tinh trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất “đã phát hiện một loạt vật thể sáng, bất ngờ di chuyển dọc theo cùng đường quỹ đạo với thân tên lửa và các vệ tinh G60 mà nó triển khai”.
Những rủi ro thực sự của đám mây mảnh vụn sẽ không được biết đến cho đến khi các chuyên gia có cơ hội phân tích nó một cách đầy đủ, việc này có thể mất thêm một ngày nữa. Và nguyên nhân khiến tên lửa vỡ vẫn chưa được biết.
Những mảnh vỡ trở thành
rác thải trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất đang gây nguy hại cho các vệ tinh
Một thân tên lửa Trường Chinh 6A khác đã phát nổ ở một khu vực quỹ đạo tầm thấp của Trái đất có mật độ vệ tinh đông đúc vào ngày 12/11/2022, và kết quả là hơn 500 mảnh vỡ được phân bổ từ 320km đến 1.500 km và làm tăng nguy cơ va chạm với các vệ tinh, đặc biệt là ở trung tâm của đám mây mảnh vụn.
Công ty LeoLabs đã tiến hành phân tích và kết luận rằng sự kiện tháng 11 năm 2022 được gây ra bởi một vấn đề liên quan đến hệ thống đẩy của tàu vũ trụ chứ không phải do tên lửa va chạm với vật thể khác.
Theo LeoLabs, ngày nay có gần 1.000 thân tên lửa bị bỏ rơi trên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất và con số đó tiếp tục tăng do số vụ phóng tăng lên khi nhiều quốc gia tập trung vào tham vọng không gian của họ.
Audrey Schaffer - Phó chủ tịch chiến lược và chính sách của Slingshot Aerospace nhận định: “Những sự kiện như thế này nêu bật tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc giảm thiểu mảnh vỡ không gian hiện có nhằm giảm việc tạo ra các mảnh vỡ không gian mới”.