Thoả thuận thương mại tự do lớn nhất Thế giới bắt đầu có hiệu lực

Thứ Bảy, 01/01/2022 11:22  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 1-1, AAP đưa tin thoả thuận tự do thương mại lớn nhất Thế giới, được ký kết bởi 15 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu có hiệu lực sau hơn 1 thập kỷ trải qua các vòng đàm phán cam go.

Theo đó, Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1-1-2022 với sự tham gia của Úc, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, New Zealand, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Vào ngày 1-2, các nước như Hàn Quốc, Myanmar, Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ cần để phê chuẩn để nó có hiệu lực.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore - Gan Kim Yong trong một thông cáo cho biết: “Việc RCEP đi vào hiệu lực sẽ cung cấp một cú hích cho mối quan hệ thương mại và kinh doanh giữa Singapore và các đối tác RCEP khác”.

Với các quy tắc về xuất xứ hợp lý và các điều khoản tích hợp khu vực, các doanh nghiệp sẽ được hưởng sự linh hoạt hơn để tiếp cận các thị trường ưu đãi cũng như các lợi ích giúp họ có thể tận dụng các chuỗi cung ứng của khu vực.

Sự vắng mặt đáng chú ý của Mỹ, bắt đầu vào năm 2017 khi nước này rời các thoả thuận thương mại lớn, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo ra các lợi thế thương mại lớn cho Bắc Kinh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

RCEP là hiệp định đầu tiên bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia vào chung một thoả thuận nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến thương mại hàng hoá và dịch vụ, cũng như nền kinh tế số, sở hữu trí tuệ và các tranh chấp thương mại cùng các vấn đề khác, nhưng nó không bao gồm các quy định về quyền lợi lao động và tác động về môi trường.

RCEP bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2022 - Ảnh: AAP

Ước tính về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia ký kết thoả thuận này vào khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

Thoả thuận này cũng chiếm khoảng 25% giá trị thương mại toàn cầu và bao gồm 1 thị trường khoảng 2,3 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số toàn Thế giới – một khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên Thế giới.

Các quốc gia ký kết dự kiến sẽ tạo ra được lợi nhuận từ thoả thuận này trị giá 174 tỷ USD vào năm 2030, theo ước tính của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB).

Các vòng đàm phán RCEP bắt đầu vào năm 2012 với sự tham gia của các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia khác.

Tuy nhiên Ấn Độ đã rút khỏi thoả thuận này vào năm 2019 để bảo hộ thị trường và nhân công của mình khi họ sợ thị trường nội địa tràn ngập các sản phẩm giá rẻ, chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang