(CAO) Hôm 11-5, tờ Nhân dân Nhật báo nêu ra 3 điểm mâu thuẫn chính giữa Mỹ - Trung quanh vấn đề đàm phán thương mại, trong đó bao gồm việc Bắc Kinh muốn Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các sắc thuế vừa được áp thêm.
Hiện phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng phái đoàn đang có mặt tại Washington để tiến hành các vòng đàm phán thương mại mới nhất.
Theo tờ báo, ngoài mâu thuẫn về các sắc thuế mới bổ sung, hai bên còn mâu thuẫn về việc mua hàng hoá của nhau trong giao dịch thương mại (Mỹ muốn Trung Quốc tăng cường mua các mặt hàng do nước này sản xuất để giảm thâm hụt thương mại).
Ngoài ra còn có mâu thuẫn về định nghĩa “cân bằng” trong thương mại. Câu từ được đưa vào văn bản về thoả thuận thương mại giữa hai bên.
Tờ báo nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước những áp lực tối đa đến từ Mỹ và sẽ không thoả hiệp về các nguyên tắc của mình”. Tờ báo kêu gọi Mỹ xoá bỏ tất cả các sắc thuế mới áp bổ sung để thương mại hai bên trở lại bình thường.
Để cụ thể hoá, tờ báo viết: “Trung Quốc yêu cầu rõ ràng rằng các số liệu mua bán thương mại phải thực tế, văn bản thoả thuận phải được cân bằng và thể hiện bằng các yêu cầu được người dân Trung Quốc chấp nhận và không làm suy yếu chủ quyền và nhân phẩm của đất nước chúng tôi”.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giơ tay) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (đeo mắt kiếng) trao đổi tại Washington ngày 10-5 - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tân Hoa Xã nhấn mạnh: Việc Mỹ dỡ bỏ các sắc thuế bổ sung cũng là yêu cầu chung của chính ngành kinh doanh và nông nghiệp Mỹ, và rằng cả hai nước cần thể hiện sự kiên nhẫn và kiên trì hơn nữa để vượt qua những khác biệt trong quan điểm.
Hôm 10-5, tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu đại diện thương mại của nước này khởi động lộ trình tăng thuế lên tất cả các mặt hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc vào Mỹ, với giá trị hàng hoá mà vòng thuế mới áp lên, lên đến hơn 300 tỷ USD.
Trước đó vài ngày, ông Trump đã bất ngờ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trị giá 200 tỉ USD nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh đi đến thoả thuận thương mại với mình.