(CAO) Hôm 19-4, AAP dẫn thông báo của chính quyền Trung Quốc cho biết họ đã ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon trong động thái gây lo ngại cho Australia, New Zealand và Mỹ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Thỏa thuận khung gần đây đã được ký kết bởi Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao quần đảo Solomon - Jeremiah Manele, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Uông Văn Bân nói với các phóng viên tại một cuộc họp giao ban thường kỳ ở Bắc Kinh.
Ông không cho biết chi tiết về việc ký kết diễn ra ở đâu hoặc chính xác khi nào.
Canberra lo ngại rằng thỏa thuận, chi tiết chưa được công khai, có thể là một bước tiến tới sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở nơi mà chỉ cách Australia chưa đầy 2000 km.
Trước đó, quốc đảo Thái Bình Dương cho biết Trung Quốc sẽ cử các quan chức đến Solomon vào tháng tới để ký các hiệp ước hợp tác.
Mặc dù các quan chức trước đó đã ký một hiệp ước an ninh cho phép cảnh sát Trung Quốc bảo vệ cơ sở hạ tầng và trật tự xã hội, nhưng các bộ trưởng vẫn chưa bút phê.
Tuần trước, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Australia và Thái Bình Dương Zed Seselja đã đến Honiara để đề nghị Thủ tướng Manasseh Sogavare của quần đảo Solomon không ký hiệp ước.
Trung Quốc - Solomon chính thức ký thoả thuận an ninh - Ảnh: BBC Hôm 18-4, Nhà Trắng cho biết một phái đoàn cấp cao của Mỹ bao gồm điều phối viên Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell sẽ tới Honiara trong tuần này để thảo luận về những lo ngại về Trung Quốc, cũng như việc mở lại đại sứ quán Mỹ.
Douglas Ete, chủ tịch ủy ban tài khoản công Solomon cho biết các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ đến nước này vào tháng tới.
Ông nói: “Các cơ quan đối ngoại của CHND Trung Hoa sẽ tới Honiara vào giữa tháng 5 để ký kết các thỏa thuận và hợp tác đa phương với chính quyền quần đảo Solomon”.
Ete cho biết chuyến thăm có nghĩa là hai quốc gia sẽ tăng cường hợp tác về thương mại, giáo dục và thủy sản, nhưng ông nói thêm rằng ông bác bỏ ý tưởng về việc người Solomon ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc để thiết lập một căn cứ quân sự.