TAND tối cao "tuýt còi"
Như Báo CATP đã có bài phản ánh (đăng ngày 03/7/2018 và 12/3/2019), khu đất tại tổ 30, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, H.Long Thành do cụ Tống Phước Lộc (SN 1939) quản lý, sử dụng từ năm 1981. Hiện trạng đất có khu nhà ở và nhà máy xay xát gạo, địa chỉ 714 Lê Duẩn (số cũ 30/10), thị trấn Long Thành. Cho rằng, đây là tài sản của cha mẹ (cụ Tống Phước Thành và cụ Phan Thị Rở) để lại, nên bà Tống Mỹ Quang (em cụ Lộc, SN 1949, ngụ xã Long An, H.Long Thành) khởi kiện, đòi chia thừa kế cho 4 anh em, gồm: cụ Lộc, ông Tống Phước Phước (SN 1940), bà Tống Thị Nghệ (SN 1947) và bà Quang.
Ngày 26/12/2008, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 1, tuyên cho bà Quang và bà Nghệ, mỗi người được chia 154,4m2 đất có nhà xưởng, đồng thời trả cho cụ Lộc 164,5 triệu đồng giá trị nhà xưởng. Ông Phước được chia 154,3m2. Cụ Lộc được chia 154,4m2 và nhận phần đất của ông Phước và phải trả cho ông Phước 1,003 tỷ đồng.
Vợ chồng cụ Lộc viết đơn kêu oan
Ngày 08/6/2009, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM ra phán quyết hủy án sơ thẩm, chỉ ra 7 điểm "có vấn đề”. Trong đó, khu đất đo thực tế 617,4m2 lớn hơn nhiều so với giấy tờ (chỉ 400m2) nhưng chưa được làm rõ. Trên đất có căn nhà ở 273,12m2 và khu nhà xưởng 398,84m2, tòa chưa xác định có phải của cụ Thành xây không? Căn cứ giấy ủy quyền lập ngày 27/3/1996 có xác nhận của UBND thị trấn Long Thành và UBND H.Long Thành, thì cụ Thành đã cho cụ Lộc toàn bộ nhà đất 714 Lê Duẩn.
Thụ lý lại từ tháng 8/2009, nhưng phải đến hơn 6 năm sau, TAND tỉnh Đồng Nai mới đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 08/9/2015, do thẩm phán Trần Thị Thanh Hà làm chủ tọa, tuyên chia nhà đất cho 4 người. Cụ thể: Bà Quang, bà Nghệ, ông Phước, mỗi người được 154,4m2 đất kèm phần nhà ở và nhà xưởng. Cụ Lộc được chia 154,4m2 đất, kèm nhà xưởng. Ba anh em được chia, mỗi người trả cho cụ Lộc 147,3 triệu đồng giá trị nhà xưởng.
Lần xử thứ 2 này, quyền lợi chính đáng của gia đình cụ Lộc bị thiệt hại nặng hơn cả lần 1 (!). Cụ Lộc kháng cáo, chỉ ra nhiều điểm Tòa phúc thẩm đã yêu cầu, nhưng cấp sơ thẩm lần 2 vẫn chưa làm rõ, nhất là phần đất chênh lệch hơn 200m2 so với giấy mua bán là do ông khai phá, nhưng tòa gộp chung rồi chia đều, chia đủ. Riêng ông Phước đã xuất cảnh từ năm 1989, nếu được chia thừa kế thì chỉ nhận được phần giá trị, nhưng tòa phán cho nhận luôn cả nhà và đất là không phù hợp.
TAND Cấp cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ngày 15/3/2018. Do cơn đau tim đột ngột, cụ Lộc được gia đình đưa đi cấp cứu rồi nhập viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa Long Thành, đến chiều 20/3 mới khỏe lại. Giấy xuất viện ghi rõ cụ Lộc bị cơn đau thắt ngực và bệnh tăng huyết áp. Theo ý kiến của nhiều luật sư, cụ Lộc không thể đến tòa do sức khỏe không đảm bảo, đây là trường hợp bất khả kháng nên phiên tòa phải được hoãn theo khoản 3 Điều 296 Bộ Luật tố tụng dân sự.
Nhà ở, nhà máy xay xát của gia đình cụ Lộc đã bị cưỡng chế, san bằng biến thành bãi đất trống
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm vẫn mở phiên tòa ngày 15/3/2018 rồi ra quyết định (QĐ) số 33/2018/QĐ-PT "đình chỉ xét xử phúc thẩm" (QĐ số 33) vì người kháng cáo vắng mặt không lý do.
Bản án sơ thẩm lần 2 có hiệu lực. Ngày 07/5/2018, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Đồng Nai ban hành cùng lúc 3 QĐ thi hành án (THA). Nhiều cơ quan chức năng đã tiếp nhận đơn khiếu nại, kêu cứu của cụ Lộc, đề nghị xem xét lại vụ án.
Ngày 27/6/2018, VKSND Tối cao có văn bản yêu cầu tạm hoãn THA. Trong khi VKSND Tối cao đang xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (GĐT) thì ngày 25/02/2019, Cục THADS tỉnh Đồng Nai có thông báo tiếp tục việc cưỡng chế THA, đồng thời ấn định thời gian thực hiện lúc 9 giờ ngày 20/3/2019.
Ngày 14/5/2019, Viện trưởng VKSND Tối cao ký QĐ kháng nghị GĐT đối với QĐ số 33. Ngày 02/12/2019, TAND Tối cao mở phiên GĐT với Hội đồng Thẩm phán gồm 15 thành viên do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa. Sau khi xem xét, HĐXX tuyên Bản án GĐT số 36/2019/DS-GĐT: Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, hủy QĐ số 33 và bản án sơ thẩm lần 2, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử lại sơ thẩm.
Góp công nhiều, chia lợi ít (?)
Thụ lý lại ngày 14/02/2020, nhưng 30 tháng sau, TAND tỉnh Đồng Nai mới mở phiên sơ thẩm lần 3 với HĐXX do Thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương ngồi ghế chủ tọa, tuyên Bản án số 24/2022/DS-ST: Chia cho bà Nghệ 155m2; bà Quang 156,9m2; ông Phước 173,4m2. Riêng cụ Lộc được nhận 151,1m2, trên đất có căn nhà cấp 4 gia đình cụ đang ở và 4,202 tỷ đồng công sức gìn giữ, tôn tạo tài sản. Trong đó, bà Quang, bà Nghệ và ông Phước, mỗi người phải thanh toán cho cụ Lộc hơn 1,4 tỷ đồng.
Văn bản của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Cụ Lộc kháng cáo. TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm ngày 02/01/2024, tuyên Bản án số 01/2024/DS-PT, sửa một phần bản án sơ thẩm. Cụ thể: Ngoài phần được chia theo án sơ thẩm, bà Quang, bà Nghệ và ông Nguyễn Văn Hoàng (nhận phần của ông Phước) liên đới nộp bồi hoàn cho cụ Lộc nhà xưởng (đã bị cưỡng chế) trị giá 589,23 triệu đồng. Đồng thời, ba người này liên đới nộp thay cụ Lộc toàn bộ chi phí cưỡng chế 46,32 triệu đồng cho Cục THADS tỉnh Đồng Nai.
Tuy quyền lợi được nâng lên so với hai lần xử trước, nhưng cụ Lộc vẫn cho rằng mình chịu "thiệt đơn, thiệt kép" nên tiếp tục hành trình kêu oan và có đơn yêu cầu theo thủ tục GĐT.
Vấn đề mấu chốt của vụ án đã được TAND Tối cao nêu rõ trong Bản án GĐT: "Ông Lộc là người trực tiếp quản lý và sử dụng nhà đất tranh chấp và là người có công quản lý, tôn tạo di sản thừa kế từ năm 1981 đến nay. Ngoài ra, từ năm 2002, gia đình ông Lộc đã đầu tư xây dựng nhà cửa, nhà máy xay xát lúa trên đất và sinh sống ổn định. Nhà máy xay xát cũng là nguồn thu nhập chính hàng ngày của gia đình ông Lộc. Bà Quang và bà Nghệ đều có nhà đất ổn định; còn ông Phước thì định cư ổn định tại Úc từ năm 1990, không có nhu cầu sử dụng phần thừa kế của mình. Tòa án cấp sơ thẩm buộc gia đình ông Lộc phải tháo dỡ, di dời toàn bộ 2 căn nhà ở, nhà xưởng, máy móc, thiết bị xay xát để giao đất cho bà Quang, bà Nghệ và ông Hoàng là không hợp tình, hợp lý, không phù hợp với thực tế".
Cụ ông "U85" lên tiếng: Cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 3 đều thừa nhận gia đình cụ Lộc đã có công gìn giữ, tôn tạo khu đất, tính đến nay đã hơn 40 năm, nhưng chỉ tuyên cho nhận 1 kỷ phần, hoàn toàn không tương xứng với công sức đóng góp suốt thời gian dài. Đây là điểm không thỏa đáng thứ nhất.
Gia đình bà Quang, bà Nghệ đều có nhà cửa ổn định và đã nhận chia di sản thừa kế xong ở H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Còn ông Phước đã rời Việt Nam, định cư nước ngoài hơn 30 năm, không có nhu cầu sử dụng đất. Cả hai bản án lần 3 chia thừa kế cho ba người này bằng quyền sử dụng đất là nghịch lý, ngược lại với Bản án GĐT số 36 của TAND Tối cao. Đây là điểm không thỏa đáng thứ hai.
Cả hai bản án lần 3 đều chia cho bà Nghệ 155m2 đất và bà Quang 156,9m2, đều lớn hơn phần chia cho cụ Lộc chỉ 151,1m2. Riêng ông Phước được "ưu ái" hưởng đến 173,4m2, nhiều hơn cụ Lộc 22,3m2, càng lộ rõ sự bất thường. Đây là điểm không thỏa đáng thứ ba...
Liên quan đến vụ án này, ngày 23/4/2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTWMTTQ) Việt Nam có văn bản số 505/MTTW-XLĐ gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, nêu rõ: Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam nhận được đơn của ông Tống Phước Lộc và bà Nguyễn Thị Đặng (vợ cụ Lộc), đề nghị xem xét theo thủ tục GĐT đối với Bản án số 01/2024/DS-PT ngày 02/01/2024 của TAND Cấp cao tại TPHCM và Bản án số 24/2022/DS-ST ngày 24/8/2022 của TAND tỉnh Đồng Nai về giải quyết tranh chấp di sản thừa kế (nội dung cụ thể trong đơn và tài liệu gửi kèm).
Căn cứ quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan, sau khi xem xét nội dung đơn, Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam chuyển đơn của ông Lộc và bà Đặng đến Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao để xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời cho công dân được biết; đồng thời thông báo kết quả giải quyết cho Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam theo quy định.