Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới tại TPHCM:

Biến giấc mơ Việt thành sức mạnh đi tới

Chủ Nhật, 13/11/2016 18:58  | Lê Ngân

|

(CAO) Sáng 13-11-2016, hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới tiếp tục làm việc chuyên đề về khoa học công nghệ, kinh tế dịch vụ thương mại. Trưa cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng phát biểu bế mạc hội nghị.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM phát biểu bế mạc hội nghị

Quyết tâm xây dựng mái nhà chung

Đề cập đến phát triển kinh tế tri thức, Giám đốc Sở KH và CN Nguyễn Việt Dũng cho biết, TP.HCM xác định phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức; ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ so với các lĩnh vực khác; gắn nghiên cứu, đào tạo với sản xuất - kinh doanh.

TS Nguyễn Đăng Bằng - kiều bào Anh cho rằng để xây dựng kinh tế tri thức ở TP.HCM cần phải xây dựng một trường đại học nghiên cứu mới hoàn toàn, quy chế hoạt động cũng như quản trị dựa trên tập quán tốt nhất thế giới hiện nay. Trường này quy mô không cần lớn nhưng sẽ là trung tâm nghiên cứu và là hạt nhân công nghệ, trong đó xây dựng một số lĩnh vực mũi nhọn nghiên cứu như công nghệ sinh học, phần mềm và trí tuệ nhân tạo...

Đặc biệt trường này ưu tiên thu hút nghiên cứu sinh sau tiến sĩ là người Việt từ nước ngoài về, hoặc người nước ngoài. Theo TS Bằng, việc thu hút kinh tế tri thức, không thể dùng ngân sách nhà nước mà cần thay đổi cơ chế để thu hút nhà đầu tư.

Với chuyên đề “Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ của TP.HCM”, đa số các kiều bào cho rằng TP cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cung cấp thông tin minh bạch; nâng cao tính minh bạch của luật và các quy định; cần xử lý nợ xấu ngân hàng...

Theo TS Đinh Thanh Hương - kiều bào Pháp, để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào thành phố cần bắt đầu bằng một tư tưởng lớn, cần vươn lên thành một TP tầm cỡ của châu Á, được truyền cho mỗi người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp “ra biển cả”, tự tìm thị trường, các đối tác nước ngoài trong thương mại và hợp tác đầu tư, trên tinh thần không phải đi xin tài trợ mà là “win-win” - hai bên cùng phát triển.

Xây dựng chiến lược về thu hút đầu tư dài hạn 20-30 năm với các kế hoạch, mục tiêu, phương thức tiến hành trung hạn, ngắn hạn cụ thể. Thường xuyên chuyển tải đến người dân, doanh nghiệp qua các con số, biểu đồ dễ hiểu để biết TP đang ở đâu và cần nỗ lực tiếp theo như thế nào. Tạo lòng tin cho nhà đầu tư trên cơ sở chuẩn hóa quá trình chọn lọc đầu tư, cấp giấy phép, hỗ trợ phát triển thị trường. Kiên quyết xử lý và công khai các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của những người tham gia. Lập một website riêng, công bố các ưu tiên về thu hút đầu tư.

TS Nguyễn Trí Dũng - kiều bào Nhật Bản

TS Nguyễn Trí Dũng - kiều bào Nhật Bản, khẳng định: “Hội nghị kiều bào năm 2016, đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng khi chúng ta đang bắt đầu năm thứ 41 sau hòa bình thống nhất đất nước! Chúng ta đã trải qua một giai đoạn khá dài với quá nhiều thử thách, tuy có nhiều thành tựu to lớn, nhưng vẫn còn nhiều việc bất cập ở diện rộng.

Mỗi chúng ta, trong cũng như ngoài nước, tuy không nói ra đều có những ước mơ về Đất Việt linh thiêng này. Nhiều thế hệ, nhiều người Việt đã làm những việc tưởng như không thể làm được để có nước Việt như ngày nay. Giấc Mơ Việt Nam là tư duy phát triển Việt, là sự liên kết góp sức để biến Giấc Mơ thành sức mạnh đi tới”.

“Chúng tôi tự hứa 'Vì Việt Nam đoàn kết lại', bắt tay nhau thật chặt vượt qua những tình riêng quyết tâm xây dựng Mái Nhà Chung “Đất lành chim đậu” ngày càng tốt đẹp, để quy tụ được nhiều hơn những người bạn mới cùng chia sẻ hoài bão này”, TS Dũng xúc động.

Ý kiến kiều bào là “ngân hàng ý tưởng” quý giá

Trong phiên bế mạc, GS.TS Dương Nguyên Vũ - Kiều bào Pháp kiến nghị TP.HCM cần hình thành tổ công tác nghiên cứu các chức năng của thành phố thông minh để giải quyết hạ tầng đô thị, an ninh trật tự, môi trường sống…; chiến lược giáo dục đào tạo, ứng dụng công nghệ khoa học, đổi mới sáng tạo từ đó thiết lập tầm nhìn nghiên cứu. Thiết lập các nhóm nghiên cứu đóng góp của các chuyên gia Việt kiều thông qua cầu nối các chuyên gia trong nước, rồi triển khai các đề cương, nghiên cứu đồng thới xây dựng cơ chế thực hiện các chủ đề trên.

Bà Võ Thị Dung - Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM chia sẻ cùng các kiều bào

Bí thư Thăng nhấn mạnh: “Sau Hội nghị này, lãnh đạo TP sẽ cùng các Sở, ngành chức năng của TP tiếp tục hợp tác, hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ với đại biểu kiều bào để triển khai các đề xuất cụ thể đó, nhất là các vấn đề gắn trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống của người dân.

Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Dương Nguyên Vũ đại diện cho 500 kiều bào đã nói là chúng ta phải bắt tay hành động ngay. Chúng tôi sẽ tích cực, cùng các đại biểu tháo gỡ bất kỳ vướng mắc nào gây cản trở cho quá trình hợp tác. Tôi đề nghị mỗi cán bộ, mỗi cơ quan chức năng phục vụ dân phải coi kết quả của Hội nghị, coi những sáng kiến, ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu là nguồn lực quan trọng, là “ngân hàng ý tưởng” quý giá mà Thành phố luôn cần đến cho sự phát triển của mình”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trân trọng và xin ghi nhận tất cả các ý kiến, đề xuất tâm huyết của đại biểu kiều bào đóng góp vào những ý tưởng, chia sẻ sự đồng thuận và khi tiếp tục bám sát các mục tiêu trước mắt theo 7 chương trình đột phá của TP là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh cải cách hành chính; giảm ùn tắc giao thông; khắc phục tình trạng ngập nước; cải thiện môi trường và chỉnh trang phát triển đô thị.

Ý kiến

Bà Trần Thị Chang - kiều bào Malaysia:

Hầu hết những kiều bào sống xa quê hương luôn có tấm lòng yêu đất nước mình, hình ảnh quê nhà, tổ tiên ông bà luôn nung nấu trong lòng để giữ gìn cội nguồn dân tộc. Để thế hệ kiều bào thứ 2 và 3 tiếp nối truyền thống văn hóa, trong gia đình chúng tôi luôn dạy dỗ con cháu học tiếng Việt, phong tục nề nếp gia phong của của người Việt. Việc TPHCM tổ chức hội nghị kiều bào với những chuyên đề cụ thể từng lĩnh vực, giúp cho các nhà đầu tư Việt kiều có cơ hội tìm hiểu, đóng góp xây dựng phát triển thành phố ngày càng hiện đại, chất lượng sống sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Giáo sư Trần Văn Hóa - Kiều bào Úc:

Sau khi tham quan khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường hầm vượt sông Sài Gòn, tòa nhà Bitexco…chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rất lớn của thành phố sau 30 năm đổi mới. Những thành tựu này đã làm cho thế giới khâm phục vì chúng ta mất mát, thiệt hại rất nhiều trong chiến tranh mà đã phát triển được như vậy.

Để tiếp tục phát triển hơn nữa, Nhà nước cần xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô ồn định, mở cửa rộng hơn nữa để đón nhận nhiều nguồn đầu tư, bởi vì Việt Nam bây giờ đã là thành viên của Tổ chức kinh tế thế giới (WTO). Đây là yếu tố rất thuận lợi để họ tin tưởng, mạnh dạn bỏ vốn vào làm ăn, vấn đề chính sách phải thông thoáng, cởi mở thật sự; ví dụ nhà đầu tư đỗ tiền vào làm ăn thì cũng phải dễ dàng chuyển đi, nếu không thì họ rất ngán ngại.

TS Mai Xuân Lý - kiều bào Ba Lan:

Việt Nam hạn chế lớn nhất là đội ngũ khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học tầm cỡ thế giới còn rất mỏng. Với đất nước 90 triệu dân nhưng vai trò khoa học cơ bản lại được xem là thứ yếu so với khoa học ứng dụng là sai lầm, vì mọi tiến bộ trong kỹ thuật, công nghệ đều dựa trên thành tựu của khoa học cơ bản. Chúng ta cần quan tâm đúng mức tới khoa học cơ bản. Tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học, kỹ thuật giỏi người nước ngoài (không nhất thiết là Việt kiều) tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất ở Việt Nam. Có chính sách phù hợp hơn với thực tế phát triển khoa học và công nghệ; tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt kiều cảm thấy mình là chủ chứ không phải là khách trên quê hương mình.

Ngân Linh (ghi)

Bình luận (0)

Lên đầu trang