Cử tri gởi gắm Chủ tịch nước: ‘Người đốt lò phải duy trì được ngọn lửa’

Thứ Bảy, 02/12/2017 17:34

|

(CAO) Sáng 1-12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM như Lâm Đình Thắng (Phó Bí thư thường trực Quận uỷ Bình Thạnh), Ngô Tuấn Nghĩa (chính ủy Bộ Tư lệnh TP), Phan Nguyễn Như Khuê (Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP) đã có buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, Quận 3, Quận 4 thông báo về kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM tại buổi tiếp xúc cử tri

Xoay quanh vấn đề nóng về bạo hành trẻ em, cử tri Mai Thị Ngọc Thúy (quận 4) cho rằng hiện nay phụ huynh và trẻ em bị bủa vây bởi quá nhiều sự bất an. Với thu nhập thấp, nhiều công nhân, lao động nghèo phải gửi con vào những cơ sở giữ trẻ tư nhân, giá khoảng 1,2 triệu đồng/tháng và con em họ lại bị đánh đập, hành hạ hàng ngày.

Bà Thúy hỏi: “Tôi cho rằng chuyện ở cơ sở Mầm Xanh (quận 12) vừa rồi chưa phải là sự việc cuối cùng. Giáo viên đánh trẻ thì đình chỉ, cơ sở thì bị giải thể. Nhưng tất cả chỉ giải quyết ở phần ngọn? Khi nào thực tế này mới chấm dứt?". Theo bà Thúy, nguyên nhân chính là sự yếu kém trong quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Các cơ quan phải có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự để cảnh tỉnh, răn đe, lấy lại công bằng cho các bé, xoa dịu nỗi đau của các em và phụ huynh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với những bức xúc của cử tri về những vụ việc bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em, như vụ việc bảo mẫu ở Hà Nam tung trẻ hơn 1 tháng tuổi; bé gái bị bạo hành bằng sắt nung đỏ dí vào mặt và tay ở Kiên Giang; chủ cơ sở Mầm non Mầm Xanh hành hạ trẻ em ở TP.HCM; vụ sát hại cháu bé 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa và nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua, gây hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với những bức xúc của cử tri

Trong thời gian tới, để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để mọi người dân và toàn xã hội thấy được tính cấp bách, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; có thái độ phê phán, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Về Thông tư 33 quy định ghi tên tất cả thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đang gây xôn xao dư luận, cử tri Phan Trúc Bạch (quận 4) cho rằng sẽ tạo ra nhiều vướng mắc phát sinh, chưa rõ ràng.

Cử tri Bạch nhận định: “Nếu buộc phải ghi đầy đủ thông tin theo giấy tờ nhân thân của các thành viên, bao gồm CMND, căn cước công dân (CCCD) vào sổ đỏ. Nhưng trên thực tế việc triển khai cấp mã số định danh cá nhân mới được thực hiện trong thời gian gần đây cho trẻ sơ sinh còn thẻ CCCD chỉ được cấp khi công dân đủ 14 tuổi. Vậy những thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất mà họ không có mã số định danh, không có thẻ CCCD thì sẽ ghi vào sổ đỏ như thế nào? có hiệu lực hay không?”.

Cử tri phát biểu

Về vấn đề này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết đã có chỉ đạo với Bộ TN&MT phải có hướng dẫn thêm về Thông tư 33 vì vấn đề này dân không đồng tình, phải làm sao để đừng gây khó cho dân. “Ai có tài sản thì ghi vào, ai không có thì thôi. Ai sở hữu đất đó thì ghi vào chứ ghi cả gia đình vào làm gì?”- Chủ tịch nói và cho biết Bộ TN MT có giải thích nhưng chưa thuyết phục. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Cái nào có lợi cho dân thì làm, còn cái nào không cần thiết mà gây phiền hà cho dân thì không nên làm”.

Vấn đề chống tham nhũng luôn được cử tri quan tâm trong tất cả các cuộc tiếp xúc, cử tri Hồ Quang Chính (quận 3) kiến nghị phải chống tham nhũng mạnh hơn, hiệu quả hơn. "4 triệu đảng viên, hơn 90 triệu dân đứng đằng sau các đồng chí. Lửa trong lò đang cháy thì củi tươi cũng phải cháy - tôi tán thành một nửa. Người đốt lò phải thế nào thì mới duy trì được ngọn lửa. Mong các lãnh đạo hãy nêu gương trước", ông Chính nói.

Theo ông Chính, chống tham nhũng cần nhất là lấy lại bằng được tài sản về cho nhân dân, chỉ nhốt tù không giải quyết được gì. "Bớt chi tiêu, bớt đình đám, bớt tham nhũng thì ắt sẽ có tiền lo cho dân", ông Chính quyết liệt.

Đồng quan điểm, cử tri Phan Thị Bích (quận 4) kiến nghị sửa luật Phòng chống tham nhũng phải có quy định: "Thu hồi tài sản tham nhũng 100%, tịch thu nguồn tài sản không lý giải được nguồn gốc, cho thôi việc, cắt hết các quyền lợi nếu đã nghỉ hưu".

Chủ tịch nước trao đổi với các cử tri

Trước những kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh quan điểm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải kiên quyết, không loại trừ bất kỳ ai có hành vi tham nhũng. Một trong những ưu tiên là phải thu hồi được những tài sản mà các đối tượng tham nhũng đã chiếm đoạt. Nếu chỉ bắt bỏ tù đối tượng thì chỉ thành công có một nữa.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự nỗ lực phối hợp tốt của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I-2018, yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa ra xét xử đúng quy định của pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang