Đề xuất thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt xét xử các án đặc thù

Thứ Sáu, 08/09/2023 07:49  | Hải Triều

|

(CATP) Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TAND tối cao, tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Bảo đảm tính chuyên nghiệp

Trong phiên họp toàn thể diễn ra hôm 07/9, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Dự thảo được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp; đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến, dự thảo đã bổ sung nhiều quy định để hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, trong đó quy định TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh; TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện. Quy định này, ông Tiến nhìn nhận, nhằm thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Cũng để hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, dự thảo Luật bổ sung quy định trong hệ thống Tòa án có các TAND sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù. Việc thành lập các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chánh án TAND tối cao, tùy thuộc vào tình hình thực tế. Tòa án sơ thẩm chuyên biệt được thành lập, ông Tiến nói, sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động; phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này.

Quang cảnh phiên họp

Cùng với đó, tại dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm độc lập tư pháp.

Hội đồng Tư pháp quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán, xem xét các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán. Hội đồng Tư pháp quốc gia cũng giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các TAND; bảo vệ Thẩm phán... để tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các Tòa án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của Thẩm phán và độc lập giữa các cấp Tòa án...

Tránh sự can thiệp hành chính

Thay mặt nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp trình bày quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND. Về cơ bản, nhóm nghiên cứu cho rằng, dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính khả thi và nguồn lực thực hiện của một số quy định, nhất là nội dung mới, chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm thi hành.

Đề cập đến việc "đổi tên" TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh; TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện, đa số ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp không đồng ý với lý do thẩm quyền xét xử của các tòa án không thay đổi; không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương và phát sinh chi phí. "Độc lập giữa các cấp xét xử không hoàn toàn phụ thuộc vào tên gọi của tòa án" - nhóm ý kiến này lưu ý.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng, việc này không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng cấp; không phát sinh thêm đầu mối, biên chế; không xáo trộn về tổ chức cán bộ.

Riêng về việc thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt, nhóm nghiên cứu tán thành dự thảo luật, bởi lẽ việc này sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Tòa án; các Thẩm phán, Hội thẩm có trình độ, chuyên môn sâu, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết. Dù vậy, nhìn nhận quy định này sẽ làm phát sinh thêm đầu mối, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Giải trình sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin, việc sửa luật Tổ chức TAND đã được "thai nghén" từ lâu, với một quá trình chuẩn bị dài. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc cần bàn ở đây là có thành lập tòa chuyên biệt không, chưa bàn về thực thi luật. "Khi nào luật ra thì ta thực thi. Còn tòa nào, ở đâu, lúc đó báo cáo Thường vụ Quốc hội thì phải xin ý kiến" - ông Bình lý giải.

Liên quan đến thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, Chánh án TAND Tối cao phản ánh, hầu hết các nước trên thế giới có Hội đồng này. "Hội đồng tư pháp quốc gia không phải là thành lập thiết chế mới mà nó được hình thành trên cơ sở Hội đồng tuyển chọn thẩm phán, vì tăng thêm một số nhiệm vụ nên không chỉ là Hội đồng tuyển chọn thẩm phán nữa... Thiết chế này để bảo đảm rằng không có việc chi phối của tòa án tối cao với các tỉnh, của các tỉnh với các huyện về mặt hành chính, về con người, cơ sở vật chất cũng như khen thưởng đối với cấp dưới" - ông Bình nêu rõ.

Theo ông, dù chưa làm được như các nước, nhưng thiết chế này bước đầu tránh sự can thiệp hành chính. Cho biết đây là ý tưởng của ban soạn thảo, ông Bình khẳng định sẽ trực tiếp giải trình về những ý kiến còn băn khoăn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang