Hòa đất thiêng từ Trường Sa vào đàn Xã Tắc

Thứ Năm, 31/08/2017 06:10

|

(CAO) Sáng 29-8, tại TP.Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế và Báo Tuổi Trẻ TP.HCM tổ chức Lễ tiếp nhận đất thiêng từ Trường Sa vào đàn Xã Tắc.

Buổi lễ diễn ra trong không khí long trọng, ấm cúng với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các Sở, ban ngành, các cơ quan báo chí và đông đảo người dân. Trước đó, trong chuyến công tác vào tháng 5-2017, đại diện Báo Tuổi Trẻ TP.HCM và Quân chủng Hải quân mang đất thiêng từ khắp mọi miền của Tổ quốc hòa quyện vào đất quần đảo Trường Sa.

Ông Nguyễn Dung (áo trắng) – phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế gửi đất thiêng Trường Sa vào đàn Xã Tắc

Sau đó đoàn đã mang những nắm đất từ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa về đất liền để hòa vào đàn Xã Tắc (nằm ở Kinh thành Huế), với ý nghĩa xã tắc non sông vẹn toàn, Trường Sa luôn ở trong lòng người dân Việt. Và thể hiện ý chí, sức mạnh trường tồn sự nối liền không thể chia cắt của non sông Việt Nam.

Ông Lê Thế Chữ (trái) - phó Tổng Biên Tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM bàn giao dất thiêng từ Trường Sa cho lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế

Đây là hoạt động ý nghĩa, khẳng định chủ quyền non sông liền một dải từ đất liền ra biển đảo, khẳng định khát vọng về một vùng biển hòa bình, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm bám biển và khẳng định chủ quyền biển đảo.

Nghi thức Lễ Tiếp nhận đất thiêng Trường Sa tại đàn Xã Tắc

Ngay sau Lễ tiếp nhận đất tại quảng trường Phu Văn Lâu, nghi thức hòa đất thiêng của Trường Sa vào đàn Xã tắc đã được tiến hành ở đàn Xã Tắc bằng sự dâng hương, cầu khấn trang nghiêm. Ông Lê Thế Chữ - phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ TP.HCM xúc động: “Mỗi nắm đất thiêng này đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của bao thế hệ người Việt đã hòa quyện vào đất, vào sóng Trường Sa. Nó nhắc nhớ những công lao của bao thế hệ cha anh đi trước để có đất nước độc lập, thống nhất, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước giàu đẹp xứng đáng với tiền nhân”.

Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ

Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao và tế Miếu tổ tiên. Hầu hết các vị vua triều Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của đàn Xã Tắc, khi xây dựng đàn Xã Tắc, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo chỉ dụ của triều đình đều góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của cả nước, trở thành biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, ý nghĩa của đàn Xã Tắc vì thế càng thêm thiêng liêng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang