TP.HCM: Tập trung nguồn lực nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an xã

Thứ Tư, 11/07/2018 19:59

|

(CAO) Đó là vấn đề chính được bàn trong Hội thảo khoa học “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công an xã trên địa bàn TP.HCM”, vừa được Học viện Cảnh sát nhân dân và Công an TP.HCM phối hợp tổ chức vào ngày 11-7, tại nhà khách Phương Nam – Bộ Công an.

Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó giám đốc Học viện CSND chủ trì hội nghị, cùng sự tham gia của đại diện CATP, các sở ban ngành liên quan và các vụ, cục nghiệp vụ Bộ Công an.

Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Văn Nhật phát biểu tại Hội thảo

Bảo vệ tốt ANTT cơ sở là nền tảng của sự phát triển

Theo Đại tá TS Phùng Danh Hào, Chánh văn phòng Viện KHCS – Học viện CSND, TP.HCM là trung tâm của kinh tế, chính trị, văn hóa, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả nước về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế.

TP.HCM có 5 huyện gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè được xác lập từ sau năm 1975. Lực lượng Công an xã luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, sát cánh cùng các lực lượng khác của CATP thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ ANTT, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có những hạn chế về mọi mặt, đã tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cơ hội chính trị thực hiện âm mưu chống phá gây mất ổn định ANTT...

Các địa biểu tham dự Hội thảo

Các ý kiến của đại biểu còn cho rằng: Tổ chức bộ máy hoạt động của lực lượng Công an xã thực hiện theo các quy định của Công an xã, của cán bộ công chức và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP.HCM hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp với tính chất, yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý dân cư, đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn nông thôn của thành phố.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả bảo vệ ANTT cơ sở, hội thảo đã đánh giá thực trạng, tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng và kết quả công tác đạt được trong thời gian qua, làm cơ sở cho việc đề xuất, kiến nghị đổi mới tổ chức hoạt động của Công an xã trên địa bàn TP.HCM, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm ANTT, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển mọi mặt của vùng nông thôn nói riêng và toàn thành phố nói chung.

Đây là vấn đề được các địa biểu đưa ra, thảo luận, phân tích một cách khách quan, chặt chẽ, khoa học để từ đó đưa ra các mô hình, giải pháp hiệu quả đối với vai trò, năng lực của lực lượng Công an xã.

Những giải pháp đặt ra trong tình hình mới

Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn đang công tác tại Ủy ban QPAN Quốc hội; Cục Tổ chức cán bộ, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; đóng góp của các phòng, ban nghiệp vụ Công an TP.HCM.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn nhận được các ý kiến sâu sắc, sát với thực tế của đại diện chỉ huy công an các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, cũng như chỉ huy công an một số xã điển hình. Hầu hết đều đưa ra những phản ánh, góc nhìn khác nhau về thực trạng tổ chức, bố trí lực lượng, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ; cơ sở vật chất; phương tiện làm việc; các điều kiện đảm bảo khác cũng như các chế độ, chính sách đối với CBCS công an xã.

Trung tá Nguyễn Văn Nam Em, Trưởng Công an  xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ trình bày những thực trạng và giải pháp tại Hội thảo

Bên cạnh đó là ý kiến về mối quan hệ giữa Công an xã với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và lực lượng dân quân tự vệ…, để đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công an xã trên địa bàn thành phố một cách toàn diện, sâu sắc, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi với các nội dung như: Các vấn đề về lý luận và thực tiễn của việc chính quy hóa lực lượng công an xã, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan, cấp bách trong thực tiễn bảo vệ ANTT để phát triển kinh tế ở vùng nông thôn TP.HCM trong tình hình mới.

Đảm bảo các điều kiện hoạt động (kinh phí, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang bị phương tiện, đào tạo nghiệp vụ…); chế độ chính sách như lương, phụ cấp, các loại bảo hiểm…; mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với lực lượng dân quân tự vệ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền địa phương và kết quả công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn đưa ra dự báo những yếu tố tác động đến tổ chức và hoạt động của lực lượng Công an xã trên địa bàn thành phố trong thời gian tới cũng như những đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm đổi mới tổ chức bộ máy nâng cao hiệu quả của lực lượng công an xã trong tình hình mới.

Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nhật đánh giá rất cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan, phân tích đúng với thực tế của các đại biểu trong việc nâng cao hiệu quả của của lực lượng Công an xã trên địa bàn TP.HCM.

Những giải pháp đưa ra rất phù hợp với thực tiễn và sẽ được Ban tổ chức tổng hợp kiến nghị lên lãnh đạo UBND TP.HCM, Bộ Công an để trình lên Quốc hội, Chính phủ nhằm đưa ra những chính sách phù hợp với việc quản lý, vận hành lực lượng Công an xã hiệu quả trong tình hình mới.

Lực lượng Công an nhân dân gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang