Sáng nay (2/6), UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tháng 6 năm 2022. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu chủ trì phiên họp.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Sở - ban - ngành, đơn vị, TP Thủ Đức và các quận - huyện.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đào Minh Chánh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Tính chung 5 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, cụ thể như: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 209.824,523 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm và tăng 19,52% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 57.200 tỷ đồng, đạt 49,10% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đào Minh Chánh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Tình hình dịch bệnh được TP tiếp tục kiểm soát tốt, đồng thời từng bước kiểm soát hoạt động y tế cơ sở. Thành phố đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn hiệu quả, an toàn. Việc củng cố chiến lược y tế đã được triển khai thực hiện, gắn chiến lược y tế với các hoạt động chiến lược, kế hoạch khác.
Nhiều hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật có sức lan tỏa, đặc biệt là tổ chức chu đáo các chương trình chào mừng các ngày lễ lớn. Công tác đối ngoại được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, bên cạnh những mặt tích cực, TPHCM cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức, những tác động đan xen nhiều mặt: thị trường chứng khoán suy giảm ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư; nguy cơ lạm phát có biểu hiện gia tăng do diễn biến tình hình thế giới; diễn biến dịch sốt xuất huyết có chiều hướng phức tạp.
Cùng với đó, một số ngành có chỉ số lao động giảm như: sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất đồ uống; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất;... Đối với ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP giảm so với cùng kỳ.
Thí điểm khai thác, sử dụng Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2022, lãnh đạo Sở KH&ĐT cho hay, thời gian tới, các sở, ban, ngành tập trung hoàn chỉnh đầy đủ các nội dung dự kiến trình Hội đồng nhân dân TP trong kỳ họp giữa năm, bảo đảm đúng tiến độ.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác phòng chống sốt xuất huyết; tăng cường giám sát, xử lý các điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng; giám sát phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Sở Nội vụ chuẩn bị sơ kết 01 năm triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, phối hợp với Bộ Nội vụ để kiến nghị Trung ương, Chính phủ tiếp tục có những định hướng tháo gỡ, có thêm các giải pháp để thực hiện tốt hơn mô hình chính quyền đô thị.
Sở Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và tổ chức kỳ thi các cấp. Đồng thời, triển khai nghiêm các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an toàn trường học như kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10, khảo sát vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, tuyển sinh lớp 1 chương trình tăng cường tiếng Pháp.
Sắp tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thí điểm khai thác, sử dụng Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung Thành phố, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng giảm giấy tờ phải nộp, giấy tờ phải xuất trình.
Cùng với đó, thực hiện kết nối toàn bộ dữ liệu kinh tế- xã hội của quận, huyện lên Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội Thành phố. Nâng cấp hệ thống theo dõi phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022 có tính năng nhắc nhở lãnh đạo phường, xã, thị trấn bằng tin nhắn và có tương tác giữa lãnh đạo thành phố và các địa phương, sở ngành.
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Mai
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà thông tin, tổng chi ngân sách địa phương tháng 5 năm 2022 (không tính tạm ứng) là 5.036,413 tỷ đồng, tăng 6,13% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương 05 tháng đầu năm 2022 (không tính tạm ứng) là 21.022,616 tỷ đồng, đạt 21,09% dự toán, giảm 11,91% so với cùng kỳ.
Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính, tháng 5/2022, tổng thu ngân sách địa phương theo phân cấp là 7.210,964 tỷ đồng, tăng 60,13% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách địa phương trong 5 tháng đầu năm 2022 là 51.207,95 tỷ đồng, đạt 57,06% dự toán, tăng 48,64% so với cùng kỳ.