Vũng Tàu ‘cấm biển’; tàu nước ngoài cứu 5 ngư dân gặp nạn

Thứ Năm, 02/11/2017 20:49

|

(CAO) Trước phức tạp của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 12 (có tên quốc tế Damrey), tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chỉ đạo “cấm biển” đối với các phương tiện tàu thuyền ra khơi từ 10 giờ sáng ngày 2-10.

Các phương tiện tàu thuyền đang khai thác đánh bắt hải sản và làm nhiệm vụ ở khu vực biển, đảo thềm lục địa phía Nam, Côn Đảo, giàn khoan dầu khí cơ động vòng tránh bão; các tàu thuyền thuộc lực lượng vũ trang Hải quân, Cảnh sát biển sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; lực lượng tàu SAR của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 túc trực sẵn sàng cơ động nhanh cứu nạn trên biển.

Tàu thuyền về tránh bão Damrey tại cảng Bến Đình, Vũng Tàu

Theo đó, từ 10 giờ cùng ngày, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bà Rịa Vũng Tàu đã chỉ huy các Đồn Biên phòng Bến Đá, Bến Đình, Chí Linh, Long Hải, Biên phòng 18, các trạm kiểm soát không làm thủ tục cho các phương tiện tàu thuyền ra khơi, đồng thời kêu gọi các tàu thuyền vòng tránh trú bão.

Đối với gần 4.000 tàu thuyền đang neo đậu tại các bến trong tỉnh, Bộ đội Biên phòng đã cử lực lượng dồn dịch neo đậu an toàn, tăng cường an ninh, phòng chống cháy nổ.

Có mặt tại khu vực cảng Bến Đá (TP.Vũng Tàu) trong buổi chiều ngày 2-10, phóng viên ghi nhận có rất đông tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu. Ngay khi nhận lệnh “cấm biển”, ngư dân đã xếp lưới gọn gàng đem cất, đồng thời chằng chéo, neo thuyền chắc chắn để đối phó với bão. Cá biệt có một vài thuyền đánh bắt gần bờ vẫn cố tìm cách ra khơi kéo thêm vài mẻ lưới cuối chiều. Tuy nhiên bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, vào gần bờ giật cấp 14
 
Ngư dân xếp lưới, neo thuyền phòng chống bão

Theo báo cáo của Biên phòng Bến Đá đầu giờ chiều 2-10, khu vực cảng Bến Đá có trên 1.400 phương tiện tàu thuyền đã neo đậu tại đây. Các tàu trước đó có kế hoạch đi biển đều dừng lại và chấp hành nghiêm lệnh “cấm biển”. Đối với các tàu của bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển, tàu của Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đang trực tuần tiễu, làm nhiệm vụ trên các vùng biển đảo Trường Sa, DK1, thềm lục địa phía Tây Nam nhận được lệnh cơ động chống sóng, chủ động vòng tránh bão, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn các phương tiện tàu thuyền, ngư dân khi gặp nạn.

Tàu nước ngoài cứu 5 ngư dân gặp nạn

Chiều 2-11-2017, tin từ Ban chỉ huy Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân, tàu 626 của Lữ đoàn này đã chuyển 5 ngư dân gặp nạn của tàu cá Kiên Giang (số hiệu KG 93952 TS) từ tàu nước ngoài chở hàng số hiệu OCEAN-TRUSURE lên tàu an toàn và đã liên lạc với cơ quan chức năng để đưa 5 ngư dân về đất liền sớm nhất.

Trước đó, vào lúc 13 giờ 45 phút ngày 31-10, tàu 626 đang làm nhiệm vụ trên biển gần khu vực đảo Trường Sa thì nhận lệnh cơ động cứu hộ 5 ngư dân trên tàu cá Kiên Giang KG 93952TS gặp nạn đã được tàu nước ngoài chở hàng số hiệu OCEAN-TRUSURE cứu vớt trước đó.

Tàu hải quân cơ động trong sóng gió

Ngay lập tức, tàu 626 đã cơ động đến vị trí nơi tàu OCEAN-TRUSURE (mã AIS 636017304, quốc tịch Liberia), cách Đông Nam Vũng Tàu 205 hải lý. Sau khi làm các thủ tục cần thiết, 5 ngư dân được chuyển sang tàu hải quân 626.

Theo tường thuật của tài công Nguyễn Ngọc Thẩm, khoảng 2 giờ ngày 31-10, các ngư bắt đầu phát hiện nước tràn vào khoang máy tàu, đến 8 giờ cùng ngày tàu bị chìm, 5 ngư dân đã mặc áo phao, ôm phao tròn và bình ga chụm lại cùng nhau chống chìm. Sau 9 giờ trôi dạt trên biển, họ đã gặp tàu hàng nước ngoài và được thủy thủ của tàu vớt lên.

Trước đó, tàu KG 93952TS rời cảng Cát Lở, TP. Vũng Tàu đi đánh bắt hải sản từ ngày 4-10, tài công là anh Nguyễn Ngọc Thẩm cùng 4 lao động trên tàu gồm: Lê Quang Cảnh, Võ Thanh Hà (quê ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), Ngô Văn Thanh (quê ở xã Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá, Kiên Giang), Phan Hoàng Đổng (quê ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ).

Hiện tại 5 ngư dân ổn định tinh thần và đang được các thủy thủ tàu hải quân tàu 626 chăm sóc sức khỏe chờ ngày về đất liền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang