Lộ diện hàng chục công ty "ma" trong đường dây "rửa tiền" xuyên quốc gia

Thứ Tư, 31/05/2023 18:10

|

(CATP) Nhập cảnh vào Việt Nam, các đối tượng câu kết với một số người địa phương thành lập hàng chục công ty "ma" với mục đích nhận nguồn tiền lừa đảo từ nước ngoài chuyển về. Số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng phân chia theo tỷ lệ phần trăm cho từng thành viên trong nhóm.

Lừa đảo bằng chứng thư, email giả

Cuối tháng 10/2021, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận tin báo của Công ty P.C về việc bị lừa đảo chiếm đoạt gần 110.000USD. Cụ thể, trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa cho Công ty J.W, ngày 18/10/2021, Công ty P.C nhận được thông báo của đối tác cho biết, Công ty J.W đã thanh toán bằng hình thức chuyển khoản gần 110.000USD. Tuy nhiên, số tiền này lại được chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH Samar For Import (Công ty Samar). Lý do J.W chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của Công ty Samar là vì ngày 14/10, Công ty J.W nhận được email thông báo từ Công ty P.C với nội dung "đơn vị thụ hưởng số tiền hàng trên là Công ty Samar".

Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định địa chỉ email gửi thông báo trên cho Công ty J.W không phải của Công ty P.C mà có đặc điểm gần giống với email của công ty này. Ngay lập tức, công an đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản của Công ty Samar. Được biết, Công ty Samar do Vũ Thành Trung (SN 1985, quê Tiền Giang) làm giám đốc, đăng ký trụ sở hoạt động tại quận Gò Vấp, TPHCM. Qua kiểm tra thực tế, công ty này chỉ lập ra chứ không có hoạt động gì. Làm việc với cơ quan công an, Trung khai chỉ đứng tên làm giám đốc công ty dùm người quen là Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981, ngụ Đồng Nai). Ngoài ra, mọi hoạt động khác đều do Hạnh và "đối tác" điều hành.

Con dấu và giấy phép Cty do Dũng và Trung làm giám đốc

Từ lời khai của Trung, cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập Hạnh đến trụ sở làm việc. Từ đây, đường dây lừa đảo và "rửa tiền" xuyên quốc gia bắt đầu lộ diện. Theo đó, năm 2017, thông qua mạng xã hội, Hạnh quen biết và sinh sống như vợ chồng với Uzoh Emmanuel (SN 1988, quốc tịch Nigeria) tại căn hộ cao cấp ở TPHCM. Tháng 8/2021, Uzoh Emmanuel yêu cầu người tình tìm thuê công dân Việt Nam đứng tên thành lập doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp được đặt theo thông tin do Uzoh Emmanuel cung cấp và có tài khoản riêng. Mục đích để Uzoh Emmanuel và một số đồng bọn ở nước ngoài chuyển tiền vào tài khoản của công ty.

Mỗi phi vụ nếu trót lọt, Hạnh và những người đứng tên thành lập công ty được hưởng 10%. Sau đó, Hạnh đề nghị một người bạn là Nguyễn Thị Vinh (SN 1981, ngụ TPHCM) đứng ra "tuyển người" để thành lập doanh nghiệp. Vinh câu kết với Vũ Thành Trung và Phạm Thanh Dũng (SN 1985, cùng quê Tiền Giang) đứng ra đăng ký thành lập 11 doanh nghiệp do 2 người này làm giám đốc.

Để lừa nạn nhân, Uzoh Emmanuel và các đồng phạm ở nước ngoài đột nhập trái phép vào hệ thống máy tính nội bộ của các doanh nghiệp để thu thập tài liệu, thông tin về hoạt động của họ. Từ đó, nhóm này tạo các email có đặc điểm gần giống với email của doanh nghiệp. Tiếp đến là soạn thảo thông báo đến đối tác của họ, rồi yêu cầu chuyển tiền mua hàng vào tài khoản của các công ty do Trung và Dũng làm giám đốc. Đến cuối tháng 8/2021, nhóm này đã lừa được hơn 6 tỷ đồng của một doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu. Trong đó, Hạnh được hưởng hơn 260 triệu đồng, Vinh và Dũng được chia 366 triệu đồng. Số còn lại Uzoh Emanuel chuyển ra nước ngoài.

Các bị cáo tại tòa

Lập 17 công ty để "rửa tiền"

Trong vụ án còn có 2 đồng phạm là Arinze, Ofia (cùng quốc tịch Nigeria). Trong đó, Uzoh Emmanuel có nhiệm vụ thành lập các công ty rồi mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Các công ty này không phát sinh hoạt động kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích nhận nguồn tiền do Arinze và Ofia lừa đảo ở nước ngoài chuyển về. Mỗi phi vụ, Uzoh Emmanuel nhận 20% trên tổng số tiền chuyển về Việt Nam, 80% còn lại chuyển cho Arinze và Ofia. Uzoh Emmanuel khai sau khi rút tiền trót lọt, 10% trong tổng số tiền giữ lại sẽ chia cho Hạnh 4%, Vinh 6%. Vinh tiếp tục chia cho người đứng tên giám đốc công ty 2% số tiền người này nhận được.

Tính đến thời điểm bị lực lượng công an bắt giữ, các đối tượng đã thành lập tổng cộng 17 công ty và thực hiện 2 lần phạm tội qua 2 công ty. Đơn cử: ngày 27/8/2021, các đối tượng rút hơn 233.160Euro bất hợp pháp từ nước ngoài chuyển đến tài khoản ngân hàng của Công ty Keestrack NV Company Limited do Phạm Thanh Dũng đứng tên làm giám đốc. Số tiền này đổi ra hơn 6,1 tỷ đồng. Sau khi rút được tiền, Uzoh Emmanuel chiếm đoạt 610 triệu đồng, Vinh 100 triệu đồng, Hạnh 244 triệu đồng, Dũng 50 triệu đồng. Hoàn tất việc "rửa tiền", Hạnh thông báo cho Vinh làm thủ tục giải thể công ty.

Uzoh Emmanuel khi mới bị bắt

Ngày 20/10/2021, nhóm này đến ngân hàng để rút 109.980USD bất hợp pháp từ nước ngoài chuyển đến tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Samar For Import do Vũ Thành Trung đứng tên giám đốc, nhưng không rút được do tài khoản bị phong tỏa. Biết bị "động", các đối tượng lập tức bỏ trốn nhưng bị lực lượng công an bắt giữ.

Ngày 29/5/2023, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt Uzoh Emmanuel 14 năm tù, Nguyễn Thị Hạnh 11 năm, Nguyễn Thị Vinh 11 năm, Phạm Thanh Dũng 10 năm 6 tháng và Vũ Thành Trung 10 năm tù cùng về tội "rửa tiền". Các bị cáo buộc phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Tại phiên xét xử, Hạnh biện hộ rằng chỉ quen biết Uzoh Emmanuel trên mạng xã hội và sống chung như vợ chồng. "Do bị cáo không có tiền trang trải chi phí sinh hoạt nên khi Uzoh Emmanuel nhờ lập các công ty, mở tài khoản và chuyển tiền, bị cáo làm theo chứ không biết việc mình làm là phạm tội". Tương tự, các bị cáo khác cho biết vì cuộc sống khó khăn, được nhờ công việc có lợi nhuận hấp dẫn và chỉ nghĩ việc đứng tên trên các công ty "ma" để được trả công mà không biết nguồn tiền từ đâu mà có, chuyển về như thế nào; càng không nghĩ mình đã tham gia vào đường dây lừa đảo và "rửa tiền" xuyên quốc gia.

Về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong vụ án, các đối tượng ở nước ngoài dùng thủ đoạn đột nhập trái phép vào hệ thống mạng nội bộ của các doanh nghiệp để lấy cắp thông tin. Sau đó, cả nhóm tạo lập email giả lừa đảo các doanh nghiệp này, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của các công ty do những đối tượng ở Việt Nam lập sẵn nhằm chiếm đoạt.

Cơ quan An ninh điều tra Công an Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị Cục Đối ngoại (V02) hỗ trợ xác minh bị hại ở nước ngoài nhưng chưa có kết quả. Mặt khác, các bị cáo trong vụ án khai không có thông tin gì về các đối tượng này, không quen biết và chỉ giao dịch, thỏa thuận thông qua mạng Internet. Do hết hạn điều tra, Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định tách vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để tiếp tục xác minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang