Trong đó, đối với Nguyễn Văn Dương, chủ tọa cho rằng, bị cáo đã lợi dụng danh nghĩa công ty nghiệp vụ hợp tác với Phan Sào Nam phát hành game bài đánh bạc. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, Dương chỉ đạo Nam đổi tên Rikvip thành Tip.Club. Với hành vi lôi kéo hơn 42 triệu tài khoản đánh bạc, đường dây này đã thu hơn 9.850 tỷ.
Riêng Dương thu lợi bất chính 1.655 tỷ đồng. Khi có tiền bất chính, Dương hợp thức hóa số tiền bằng việc góp vào công ty UDIC để rửa tiền. Năm 2017, Dương bán cổ phần ở công ty UDIC được 329 tỷ đồng và rút tiền về gửi tiết kiệm và mua hai tầng 5, 6 tòa nhà Icon 4 để làm trụ sở công ty CNC. Hành vi của Dương đủ yếu tố cấu thành tội “tổ chức đánh bạc” và “rửa tiền”.
Nhận định về Phan Sào Nam, HĐXX cho rằng, sau khi hợp tác với Dương phát hành phần mềm đánh bạc và thu lời bất chính hơn 1.475 tỷ đồng, Nam đã chuyển tiền lòng vòng để hợp thức hóa số tiền. Nam được xác định là người khởi xướng và giữ vai trò chỉ huy nhóm công ty VTC online và công ty Nam Việt vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Anh ta đã thừa nhận hành vi tổ chức đánh bạc và rửa tiền. HĐXX xét thấy, Nam có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo và tích cực hợp tác trong quá trình điều tra, có nhiều thành tích xuất sắc được tặng nhiều bằng khen, tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội có ý nghĩa lan tỏa lớn.
Đồng thời, do niềm tin của Nam vào bị cáo Nguyễn Văn Dương và CNC là công ty nghiệp vụ có thể chịu trách nhiệm về pháp lý nên dẫn đến việc Nam hợp tác với Dương vận hành game bài trái phép. Hậu quả xảy ra nằm ngoài ý thức mong muốn của bị cáo, vì thực tế game bài này một mặt gây hậu quả nghiêm trọng nhưng mặt khác là thành tựu khoa học công nghệ, là đóng góp của đội ngũ tri thức trẻ nhưng thiếu hiểu biết pháp luật.
Phan Sào Nam bị tòa tuyên phạt 5 năm tù với hai tội danh tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
Đối với ông Phan Văn Vĩnh, HĐXX nhận định khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh đã ký quyết định công nhận CNC là công ty nghiệp vụ trái quy trình. Ông Vĩnh còn bút phê cho cấp dưới nghiên cứu đề xuất thí điểm đổi thưởng game bài là trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, ông Vĩnh còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của công ty CNC. Khi CNC vận hành 2 game Rikvip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật bị phát hiện, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu có báo cáo nhưng ông Vĩnh không chấp hành. Khi có văn bản lần thứ 2, bị cáo mới chỉ đạo cấp dưới báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nhưng không đúng sự thật.
Ông Phan Văn Vĩnh bị tuyên phạt 9 năm tù.
Ông Vĩnh được xác định có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Dương tổ chức đánh bạc trái phép. HĐXX nhận định, với vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, ông Vĩnh đáng lẽ phải kiên quyết đấu tranh với tội phạm thì lại tiếp tay nên cần cách ly một thời gian. Bị cáo là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra. HĐXX tuyên phạt bị cáo Vĩnh 9 năm tù, đồng thời thấy rằng việc phạt tiền bị cáo mức cao nhất 100 triệu đồng là hợp lý.
Nhận định về ông Nguyễn Thanh Hóa, HĐXX cho rằng, ông Hóa không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo văn bản và trực tiếp tham mưu cho Phan Văn Vĩnh về việc thành lập công ty nghiệp vụ trái với quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an.
Biết công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, ông Hóa không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi, bao che không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý. Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành game bài có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ông Hóa không chấp hành ý kiến chỉ đạo và báo cáo không trung thực để che giấu hành vi phạm tội của công ty CNC, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nhận án phạt 10 năm tù, chịu hình phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Bản thân bị cáo là người thực hành tích cực, biết rõ CNC vận hành game cờ bạc nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới soạn thảo nhiều văn bản, tham mưu cho cấp trên, giúp cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng nên bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân chương, bằng khen. Bố đẻ bị cáo là liệt sĩ nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ. Tại tòa, bị cáo dù đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng Hóa quanh co, chối tội nên HĐXX buộc phải triệu tập các cán bộ cấp dưới để làm rõ.
Do đó, dù bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ nhưng cần phải xử lý thật nghiêm minh. Nguyễn Thanh Hóa đã bị tước quân tịch, khai trừ Đảng nhưng để đảm bảo tính nghiêm minh, bình đẳng cần buộc bị cáo phải chịu hình phạt tù giam. Phạt ông Hóa 10 năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Đối với Lưu Thị Hồng (Tổng giám đốc Công ty CNC), bị cáo này thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, bị cáo ký các hợp đồng hợp tác phát hành game bài Rikvip, thuê tên miền, đăng ký dịch vụ tin nhắn thương hiệu và tham gia ký đối soát doanh thu tổ chức đánh bạc tổng cộng 4 tháng. Tuy nhiên, Hồng không được ăn chia, hưởng lợi nguồn thu do đánh bạc mà có.
Bị cáo Lưu Thị Hồng được trả tự do tại tòa.
Như vậy, hành vi của Lưu Thị Hồng đủ yếu tố cấu thành tội phạm tổ chức đánh bạc, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 1999. Quá trình điều tra, bị cáo thành thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đồng phạm có vai trò không đáng kể.
Ngoài ra, bố mẹ bị cáo là người có công với cách mạng được tặng thưởng huân huy chương. Với các tình tiết giảm nhẹ này, HĐXX cho Lưu Thị Hồng được hưởng mức án dưới khung hình phạt bằng thời gian tạm giam (1 năm 3 tháng tù) và xử phạt bổ sung 50 triệu đồng, thả tự do bị cáo tại tòa.