Nhức nhối tình trạng lừa đảo qua mạng:

Bài cuối: Tăng cường phòng tránh, hạn chế tối đa thiệt hại

Thứ Tư, 26/10/2022 10:45

|

(CATP) Theo thống kê, vài năm gần đây, trong cả nước xảy ra hàng loạt vụ việc người dân lẫn doanh nghiệp bị lừa đảo qua không gian mạng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Lực lượng Công an liên tục triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng. Công an TPHCM khuyến cáo, người dân và doanh nghiệp cần tăng cường cảnh giác, phối hợp, chung tay với các cơ quan, đơn vị chức năng, đặc biệt là ngân hàng và bưu chính để phòng tránh tội phạm lừa đảo qua mạng.

Một năm, 2.000 vụ lừa đảo qua mạng

Theo Bộ Công an, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng chiếm tỉ lệ ít trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, phức tạp. Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trên không gian mạng. Theo thống kê, hàng năm, trong cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một băng nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao. Nhóm đối tượng này lập sàn giao dịch tiền ảo trên website: Tradenew.io, với tổng số tiền giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng, nhằm chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng triệt phá nhóm đối tượng lập sàn thương mại điện tử "Bigbuy24h.com" để chiếm đoạt tài sản, do Nguyễn Văn Anh (40 tuổi, ngụ Q.Long Biên, TP.Hà Nội) cầm đầu, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 517 tỷ đồng.

Công an quận 7 phối hợp Công an tỉnh Hà Tĩnh triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng

Tương tự, Công an tỉnh Hà Tĩnh đấu tranh, triệt phá một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng thủ đoạn vờ tuyển cộng tác viên bán hàng online. Cơ quan điều tra đã bắt giữ, triệu tập làm việc 83 đối tượng, ra quyết định khởi tố 41 đối tượng. Công an tỉnh Bắc Ninh cũng phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phá một chuyên án, bắt đối tượng cầm đầu cùng 7 đồng phạm về hành vi "hack" (chiếm quyền sử dụng) tài khoản cá nhân trên mạng Facebook. Nhóm này đã sử dụng tài khoản chiếm đoạt được để lừa đảo bằng cách mượn tiền các nạn nhân là người quen của chủ tài khoản. Trong chuyên án, các đối tượng đã chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của hơn 100 người bị hại trong cả nước.

Nguyên nhân của tình trạng tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng do vẫn còn nhiều người dân chưa nắm rõ, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về pháp luật và các thủ đoạn lừa đảo để phòng tránh. Một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nhẹ dạ, cả tin, hám lợi... cũng dễ rơi vào bẫy lừa của các đối tượng. Bên cạnh việc nạn nhân sau khi phát hiện bị lừa đảo đi trình báo công an, rất cần sự phối hợp nhanh chóng của ngân hàng (phong tỏa tài khoản khi chưa bị chiếm đoạt) và sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức khác. Trong đó, ngành bưu chính - viễn thông rất cần có quy định, quy trình quản lý chặt chẽ hơn về mạng viễn thông.

Nhận cuộc gọi "lạ”, cần báo ngay đến công an

Loại tội phạm lừa đảo qua mạng thường liên quan đến các hoạt động tội phạm có tổ chức, liên tỉnh xuyên quốc gia. Hiện nay lực lượng Công an đang tấn công mạnh vào loại tội phạm này.

Cần tăng cường đề phòng tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp

Công an TPHCM cho biết, tội phạm lừa đảo qua điện thoại thường có dấu hiệu dễ nhận biết. Đó là khi có cuộc gọi đến máy điện thoại bàn hay điện thoại di động, đầu dây bên kia (thực chất là đối tượng lừa đảo) xưng danh là cán bộ của cơ quan pháp luật (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát), thông báo người dân đang "nợ cước điện thoại, liên quan một vụ án rửa tiền...", dùng lời lẽ dọa nạt để nạn nhân phải hợp tác điều tra, nếu không làm theo thì sẽ bị xử lý về hình sự. Các đối tượng còn vờ bảo nạn nhân giữ bí mật, không được kể cho người nhà biết; rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến số tài khoản đứng tên cá nhân, nói dối với nạn nhân là chuyển cho "cơ quan pháp luật" kiểm tra và sẽ trả lại trong vài giờ. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng nhanh chóng rút hết tiền trong tài khoản nhận và chặn mọi liên lạc với nạn nhân.

Đối với thủ đoạn lừa đảo trên, điều người dân cần làm là dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn (như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại...), không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân, đặc biệt là mã OTP tài khoản ngân hàng điện tử của bản thân cho bất kỳ ai. Không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào cho người lạ; nếu đã chuyển thì phải báo cho ngân hàng để phong tỏa ngay số tiền vừa chuyển. Khi nhận cuộc gọi đe dọa của người lạ, cần kể lại cho người nhà biết và báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.

Cách phòng tránh "bẫy tình" và "hack" email

Đối với tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn "bẫy tình" qua mạng xã hội, dấu hiệu nhận biết là các đối tượng lừa đảo đóng giả người có nhiều tiền và địa vị trong xã hội (bác sĩ, kỹ sư, thương gia, quân nhân Mỹ...), đăng nhiều hình ảnh giả mạo đang sinh sống tại nước ngoài hoặc đang chiến đấu tại Afghanistan, Syria..., ngỏ ý làm quen, kết bạn, hứa hẹn kết hôn trên các trang mạng xã hội. Nạn nhân các đối tượng này nhắm đến thường là phụ nữ, nhưng vẫn có số ít là nam giới. Đối tượng nói dối là sẽ kết hôn và bảo lãnh người yêu đi nước ngoài, ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn (trong đó có nhiều ngoại tệ, vàng...) để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc viện cớ người quen bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý vay mượn nạn nhân tiền để đầu tư, kinh doanh...

Công an TPHCM khám xét hiện trường một vụ lừa đảo có tổ chức qua mạng

Để hoàn tất giai đoạn cuối, các đối tượng cho đồng phạm đóng giả làm nhân viên giao nhận, hải quan, thuế..., gọi điện cho nạn nhân, nói dối là thùng quà biếu bị tạm giữ vì chứa nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị cao mà không khai báo hải quan. Sau đó, đối tượng đồng phạm thông báo nạn nhân phải nộp thuế hoặc lệ phí để nhận hàng hoặc "lo lót". Đối tượng này cung cấp số tài khoản ngân hàng để nạn nhân chuyển tiền, rồi rút ra chiếm đoạt. Để phòng tránh trường hợp này, người dân (đặc biệt là các "quý bà”, "quý cô”) không nên tin tưởng khi giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người lạ qua mạng xã hội; không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế... Tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng trên dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển tiền thì cần báo cho ngân hàng phong tỏa số tiền đó ngay).

Về tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn "hack" email của doanh nghiệp, dấu hiệu nhận biết là nạn nhân (các doanh nghiệp có quan hệ mua bán với công ty nước ngoài) thường liên lạc, giao dịch qua email, bị các đối tượng lừa đảo xâm nhập email và biết được thông tin về các hợp đồng mua bán hàng hóa, thanh toán tiền. Các đối tượng sẽ tạo email giả (giống với email thật của hai bên mà chỉ sai một ký tự) của đối tác thanh toán tiền hàng rồi gửi email yêu cầu doanh nghiệp ở Việt Nam thanh toán tiền vào một số tài khoản khác, viện cớ do tài khoản thường giao dịch đang gặp trục trặc.

Để tăng cường tính bảo mật, doanh nghiệp phải kiểm tra địa chỉ email của đối tác đảm bảo chính xác 100%, không được sai khác một ký hiệu nào. Nếu nhận được email mới yêu cầu thay đổi số tài khoản thụ hưởng thì tuyệt đối không được chuyển tiền mà phải trực tiếp liên lạc ngay với doanh nghiệp đối tác bằng điện thoại hoặc gặp trực tiếp, nhằm tránh bị lừa đảo (nếu đã chuyển tiền thì báo cho ngân hàng phong tỏa ngay). Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp gặp các thủ đoạn nêu trên hoặc phát hiện bất cứ thủ đoạn nào khác có nghi ngờ đối tượng lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần trình báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý, nhằm tránh tối đa thiệt hại về tài sản.

Bài 1: Những thủ đoạn tinh vi mà người dân cần cảnh giác
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang