Kinh doanh đa cấp biến tướng "bẫy" sinh viên mùa dịch

Thứ Bảy, 04/12/2021 16:13

|

(CATP) Tình trạng kinh doanh (KD) theo phương thức bán hàng đa cấp (ĐC) biến tướng diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng từ trước, trong và sau mùa dịch Covid-19. Trong số này, nhiều sinh viên (SV) học tập xa nhà vô tình lọt vào cái bẫy của những hình thức trên, khi nhận ra thì đã đóng tiền, không thể đòi lại được…

Chiêu trò dụ dỗ

Từ khi các địa phương trong cả nước bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội thì các hoạt động kinh doanh đa cấp (KDĐC) biến tướng có dấu hiệu hoạt động trở lại theo chiều hướng gia tăng, phần lớn chuyển hướng sang đối tượng SV.

Với nhiệt huyết tuổi trẻ cùng ước mơ thể hiện bản thân, muốn sớm thành công, một số SV vô tình trở thành "con mồi" béo bở của những "cái bẫy" mang tên ĐC. Bằng cách gợi mở về những câu chuyện "người thật việc thật", các "thiên tài khởi nghiệp", làm giàu nhanh chóng mà không cần vào đại học (ĐH), chẳng cần làm gì cũng có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, bẫy ĐC đã gieo vào tâm trí lớp trẻ sự tò mò, sẵn sàng đánh đổi để mong có được cơ hội làm giàu nhanh chóng và đơn giản.

Một buổi hội thảo về "làm giàu không khó”

Nhắm vào những SV xa nhà thiếu kiến thức, kỹ năng, nhẹ dạ cả tin, các đối tượng KDĐC tìm cách dụ dỗ số này nghỉ học, xin tiền người thân hoặc vay mượn bạn bè để khởi nghiệp KD, trở thành những "giám đốc", "doanh nhân"... Không khó để chứng kiến hình ảnh các nhóm tụ tập trong tiệm cà phê, hội quán... giơ nắm đấm lên trời cùng đồng thanh hô to: "Làm giàu, chúng ta sẽ giàu" (!). Các đối tượng chủ chốt đánh vào tâm lý cần tiền, đời sống khó khăn khi phải học tập, làm việc xa nhà, dùng nhiều thủ đoạn để tiếp cận chèo kéo "con mồi" tham gia vào công ty KDĐC mang tính chất lừa đảo, một mặt chúng đánh vào nỗi đau bằng cách công kích SV với những câu nói khích như: "20 năm rồi em chưa làm được trò trống gì, sau 4 năm ĐH cũng thất nghiệp, người yếu kém như em phải đào tạo lại từ đầu. ĐH để làm gì, xong rồi lương cũng ba cọc ba đồng, hãy học cách làm giàu ngay từ bây giờ...".

Thế là một số SV học hành sa sút bắt đầu tập trung vào việc kiếm tiền, trong khi còn thiếu nhiều kỹ năng, kiến thức, chưa đủ trải nghiệm để đưa ra những quyết định đúng đắn, khiến bản thân vô tình rơi vào bẫy vô hình của nhóm KDĐC lừa đảo. Cả những SV từ nông thôn lên thành phố với bao hoài bão, luôn mong ước có điều kiện làm giàu nhanh nên dễ trở thành "con mồi" của các đối tượng KDĐC biến tướng; đó là chưa kể các SV theo học trường trung cấp, cao đẳng hoặc những trường ít ngành học, do tính chất đặc thù nên số tín chỉ không nhiều, vì thế sẽ có thời gian rảnh để tham gia công việc bên ngoài và rơi vào "tầm ngắm" của các đối tượng KDĐC.

"Mồi ngon" của đa cấp biến tướng

Kinh doanh đa cấp biến tướng còn len lỏi tới nhiều tỉnh thành, vùng nông thôn trong cả nước. Anh T.Đ.B.N (20 tuổi) cho biết: "Do dịch Covid-19, công việc khó khăn nên tôi đăng tin tìm việc làm trên mạng xã hội Facebook, được một người tên T.H.K.K nhắn tin mời qua bên chị này bán hàng nội thất gia đình". Tới điểm hẹn, anh N. chỉ thấy căn nhà khá trống, bên trong chẳng có gì khác ngoài cái bàn, vài cái ghế và chiếc tủ chứa những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Anh N. được một nhân viên (NV) ăn mặc lịch sự hướng dẫn vào phòng gặp một người tự xưng "giám đốc". Vị này cho anh học thuộc danh sách sản phẩm và bắt đầu kêu gọi đóng tiền để làm thủ tục, hồ sơ với giá 300.000 đồng. Những ngày sau đó, anh N. được đưa đến các cuộc họp kín, cho gặp những người tự xưng là "giám đốc, phó giám đốc, tỉ phú trẻ..." để nghe giảng về việc có thể thu vào khoản lợi nhuận khủng như thế nào khi trở thành nhân viên kinh doanh (NVKD) chính thức của công ty.

Theo đó, chỉ cần bỏ ra 8,5 triệu đồng để giữ chân và được hướng dẫn thu lại tiền trong vòng vài tháng bằng cách làm theo sơ đồ tam giác, bên A là NVKD, sau đó sẽ tuyển thêm 2 NV dưới trướng là B và C, khi đó A sẽ trở thành quản lý (QL), còn B, C là NVKD và cứ thế tiếp tục. Nguồn tiền thu được từ các NV cấp dưới sẽ được chia cho các QL ở đầu mỗi tam giác. Để duy trì sơ đồ, các QL sẽ thưởng nóng 500.000 đồng cho NV nào tiếp nhận thêm được thành viên cho nhóm mình. Với bài toán ấy, rất nhiều SV đã sa bẫy. Nếu không có tiền, SV sẽ được các đối tượng hướng dẫn, hỗ trợ vay ngân hàng (NH), từ đó các SV phải nói dối cha mẹ để mượn hộ khẩu đi photo làm thủ tục vay tiền.

Ác mộng từ giấc mơ đổi đời một cách nhanh chóng

"Đầu tư càng nhiều thu lại càng khủng" là câu nói cửa miệng của các đối tượng KDĐC biến tướng để dụ dỗ "con mồi". Sau đó các SV chẳng những không lấy lại được vốn mà còn nợ NH khoản lớn và chỉ nhận lại lô hàng không rõ nguồn gốc, đến lúc phát hiện thì không còn kịp nữa. Các đối tượng sẽ thay đổi địa bàn hoạt động liên tục nên rất khó điều ra, bắt giữ. Đánh vào tâm lý chung của mọi người là dù không làm gì nhưng vẫn có nhiều tiền rót về, nhiều người rất dễ mắc bẫy chiêu trò lừa đảo của các đối tượng, dẫn đến việc tiền đã đi rồi không thu lại được, còn người ở lại phải ôm lô hàng không rõ nguồn gốc.

Tin nhắn chèo kéo tham gia đường dây KDĐC

Khi nạn nhân có ý định rút lui vì khoản nợ NH quá lớn, các đối tượng liền giữ chân bằng cách động viên: "Em đã bỏ số vốn lớn vậy rồi mà định rút lui hay sao? Cố lên, anh chị sẽ giúp em hoàn lại số vốn một cách nhanh nhất, nếu bỏ cuộc thì em sẽ mất toàn bộ khoản đã đầu tư và còn phải nợ NH".

Anh Trần Hoàng Nguyên (SN 2001, quê Đắk Lắk) là một trong những nạn nhân sống dở chết dở vì vướng vào ĐC. "Khoảng năm 2020, tôi bước chân vào giảng đường ĐH ở TPHCM và được người bạn rủ gia nhập nhóm chuyên KDĐC. Từ đây, tôi cũng bắt đầu mơ mộng hão huyền... Thời gian đầu ngoài những buổi hội họp ở công viên, quán cà phê, từ những lời "có cánh": Chỉ trong vòng một năm sẽ trở nên giàu có, tôi đã đóng gần 500 triệu đồng cho tổ chức KDĐC trên, nhưng suốt 2 năm trời, tôi hầu như chẳng làm được gì ngoài chuyện phải nghĩ cách lôi kéo, lừa người khác tham gia vào hội nhóm KDĐC này để kiếm tiền", anh kể.

Anh Bạch Thành Nhân (SN 2001, quê Hà Nội, SV của 1 trường cao đẳng ở TPHCM) chia sẻ, thời gian đầu các đối tượng ĐC tìm cách tiếp cận khi anh đi tìm việc làm thêm. Sau đó, những người này giới thiệu anh với các sếp là giám đốc, doanh nhân... rồi chuyển anh sang vị trí KD để có thu nhập cao. Từ đây, anh phải bỏ hàng chục triệu đồng mua các sản phẩm. Khi anh hết tiền thì những đối tượng này hướng dẫn cách nói dối về đóng tiền Anh văn, Tin học...; hướng dẫn anh vay của bạn bè, người thân để mua thêm sản phẩm. Do cảnh giác với các hệ thống ĐC nên anh từ chối tham gia. Sau nhiều lần thuyết phục không thành, anh được cho nghỉ việc trong khi tiền lương cũng chưa được nhận được đồng nào.

Mới đây nhất, nhận được tin hàng loạt SV tự nhiên "mất tích", xin nghỉ học do tham gia vào đường dây KDĐC biến tướng và nhiều người trong số này phải gánh khoản nợ lên tới hàng trăm triệu đồng của "Team khởi nghiệp 360" tại một số quận 7, 9, Tân Phú, TP.Thủ Đức (TPHCM), cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra.

Hội SV TPHCM cũng phối hợp với Công an TPHCM để cung cấp tài liệu về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng KDĐC biến tướng. Những công ty có dấu hiệu hoạt động lừa đảo này đã được Hội SV TPHCM lên danh sách cảnh báo thường xuyên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang