Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030":

Những người thầy "đặc biệt": Huấn luyện viên cầu lông tài năng của người khuyết tật (bài 1)

Thứ Hai, 20/11/2023 08:37  | Trung Hiếu

|

(CATP) Sự đồng cảnh ngộ, dành trọn tình yêu thương và cống hiến đã khiến những người thầy và trò "đặc biệt" sống trọn vẹn từng phút, từng giờ đầy ý nghĩa.

Sau loạt bài "Những người thầy vẫn học" viết về các người thầy, người cô dù có học hàm, học vị cao, tuổi đã lớn vẫn luôn học hỏi mỗi ngày để nâng cao kiến thức, làm đẹp cho đời, Chuyên đề Công an TPHCM tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về những "người thầy đặc biệt" ở lĩnh vực khác - lĩnh vực thể thao. Dù cơ thể họ gặp những khiếm khuyết, song ở họ có ý chí và nghị lực vươn lên kiên cường, trở thầy những người thầy "đặc biệt" của đám học trò rất... "đặc biệt", gặt hái được nhiều thành công, đeo trên ngực những tấm huy chương vinh quang, khiến công chúng khâm phục. Sự đồng cảnh ngộ, dành trọn tình yêu thương và cống hiến đã khiến những người thầy và trò "đặc biệt" sống trọn vẹn từng phút, từng giờ đầy ý nghĩa.

Bị di chứng sốt bại liệt từ năm 3 tuổi, những tưởng cuộc đời sẽ khép lại với một đứa trẻ không thể đứng vững trên đôi chân của mình, nhưng Trương Ngọc Bình đã vẽ ra một hướng đi riêng và trở thành câu chuyện xứng đáng được truyền cảm hứng cho những người khuyết tật. Sự lạc quan, nỗ lực không ngừng nghỉ đã biến cậu bé khuyết tật năm nào trở thành một huấn luyện viên (HLV), một người thầy có năng lực với bề dày thành tích thật đáng nể dành cho thể thao...

Không đầu hàng số phận

Năm nay bước sang tuổi 40 tuổi, trong lần gặp nhau, ở Trương Ngọc Bình toát ra nguồn năng lượng tích cực với khuôn mặt sáng. Bình kể, anh sinh ra và lớn lên tại Q.Gò Vấp. Năm 3 tuổi, Bình bị di chứng sốt bại liệt khiến một đứa bé sinh ra lành lặn bỗng chốc sống nhờ vào xe lăn. Cả nhà lúc ấy cũng trải qua một cú sốc lớn nhưng cuối cùng họ chọn cách gắng gượng để cùng con trai vượt qua nỗi đau này.

Dù bị khiếm khuyết nhưng với niềm đam mê thể thao, những năm tháng tuổi học trò, Bình không chịu ngồi yên mà thường xuyên chơi thể thao cùng với các bạn đồng trang lứa tại sân vận động Đạt Đức (giờ là Trung tâm văn hóa thể thao Q.Gò Vấp). Nói thì nghe đơn giản vậy thôi chứ những ngày đầu tập chơi, Bình phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình vận động. Có lúc quá mệt mỏi, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến những người thân, Bình lại cố vực dậy tinh thần để không trở thành gánh nặng cho gia đình.

HLV Trương Ngọc Bình đạt giải vô địch quần vợt xe lăn toàn quốc năm 2022

Biết bao giọt mồ hôi rơi xuống sàn tập đã tôi luyện Bình thành một vận động viên (VĐV) khuyết tật giỏi, đầy tính nhẫn nại và ham học hỏi.

Giọng Bình vẫn chậm rãi theo từng lời kể. Cuộc gặp này, với anh cũng là cơ hội để nhìn lại những gì đã qua với những năm tháng tuổi trẻ của một chàng thanh niên khuyết tật. Mùa hè năm 1999, Bình vẫn đang sinh hoạt cầu lông tại sân vận động thì bất ngờ được bác bảo vệ giới thiệu cho thầy Tôn Thành Can (lúc đó là Phó giám đốc Trung tâm thể thao). Khi biết về hoàn cảnh cũng như khả năng chơi cầu lông tốt của Bình, thầy Can đã đến gặp gia đình xin cho Bình tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 2, tổ chức tại Đà Nẵng.

Lần đầu ra quân, dẫu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng Bình may mắn đạt được HCĐ nội dung đứng đánh. Bình nhớ lại, cảm giác lúc đó không biết phải diễn tả thế nào. Bởi, lúc đầu chơi thể thao, anh chỉ muốn cho khoẻ và hơn nữa là tự tìm kiếm chút niềm vui khi được giao lưu với mọi người, thoát khỏi mặc cảm tự ti; nào ngờ cũng có những phút giây vinh quang đến với mình.

Có được thành tích ban đầu, Bình càng lúc càng nỗ lực hơn, ra sức rèn luyện mỗi ngày để không phụ lòng mong mỏi của các thầy cũng như gia đình. Năm 2003, tại giải thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, Bình đã cầm trong tay chiếc HCV với niềm hạnh phúc dâng trào.

Không chỉ xác định gắn bó lâu dài với bộ môn thể thao dành cho người khuyết tật, Bình còn cố gắng để học một cái nghề ổn định nên đã thi vào trường Trung cấp nghề công nghiệp 4. Trong khoảng thời gian này, Bình nhận được quyết định đề cử tham gia tập huấn và thi đấu giải thể thao người khuyết tật khu vực Đông Nam Á lần 2. Sau 3 tháng tập luyện kiên trì và bền bĩ, Bình đã mang về cho đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam 1 HCV, 1 HCB .

Kể từ đó, bảng thành tích huy chương của Bình ngày càng được cộng thêm theo từng năm, từ trong nước đến Đông Nam Á rồi cả giải đấu Châu Á. Đặc biệt là năm 2013, Bình giành được 2 HCĐ giải cầu lông dành cho người khuyết tật thế giới.

Kết quả ấy là sự tượng thưởng vô cùng xứng đáng cho cả một quá trình vươn lên, nỗ lực bền bĩ và bất chấp nhiều trở ngại của chàng trai khuyết tật. Niềm đam mê thể thao ấy đã vực dậy được sự tự ti, e dè của Bình, mang niềm vui đến cho anh và niềm vinh dự cho cả gia đình. Nhắc đến đây, Bình nhoẻn miệng cười hiền, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ bến. Bình bảo, hành trình ấy, tính đến nay đã 20 năm, anh vẫn còn may mắn là thành phần góp mặt cho đội tuyển cầu lông người khuyết tật Việt Nam. Con đường ấy, anh chắc chắn sẽ còn gắn bó...

Khi được hỏi về chuyện riêng, Bình mãn nguyện chia sẻ: "May mắn là tôi đã có một người đồng hành cùng nhau "chia ngọt sẻ bùi" từ cách đây 12 năm. Vì cũng là một VĐV khuyết tật nên vợ chồng luôn tìm được sự đồng cảm trong quá trình chung sống. Kết quả của tình yêu thương này là 2 người con đủ nếp, đủ tẻ rất ngoan ngoãn và hiếu thảo".

Cơ duyên trở thành huấn luyện viên

Dù phải di chuyển bằng xe lăn, nhưng Bình đã chơi rất nhiều môn thể thao. Môn nào anh cũng chơi tốt nhưng cầu lông vẫn là môn yêu thích nhất. Hơn 20 tấm huy chương đủ màu cả trong và ngoài nước chính là thành quả có được từ sự đam mê này. Bình kể, sau đó anh còn tham gia thi đấu môn tennis dành cho người khuyết tật và cũng đạt được một số thành tích đáng kể. Thời điểm dịch Covid-19, các giải đấu bị ngưng lại nên khi biết TPHCM phát động phong trào người khuyết tật tham gia bộ môn bắn cung, Bình cũng mạnh dạn thử sức mình và bắt đầu tập luyện. Sau vài tháng nỗ lực tập luyện, anh đã tham gia giải vô địch bắn cung TPHCM dành cho hệ phong trào. Dù là VĐV khuyết tật thi đấu cùng với VĐV bình thường nhưng anh cũng xuất sắc đạt được 1 HCB, 1 HCĐ khiến nhiều người nể phục.

HLV Trương Ngọc Bình tập luyện môn bắn cung

Từ thành tích này, vào năm 2021, Bình đã được thầy Lý Đại Nghĩa (Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam) giao trọng trách làm HLV môn bắn cung người khuyết tật và sau đó anh còn được phụ trách quản lý bộ môn bắn cung tại trung tâm Văn hoá thể thao Q.Gò Vấp.

Chia sẻ về điều này, Bình tự nhận, dù trình độ chuyên môn đối với môn bắn cung là chưa đủ để trở thành HLV nhưng anh có thừa sự đam mê để dạy "học trò”. Để có cơ sở dạy tốt, mỗi ngày sau giờ tập luyện, Bình đều lên mạng tìm kiếm thêm thông tin cũng như học hỏi các đàn anh đi trước về bộ môn bắn cung. Khi đứng trước các học trò, ngoài dạy những bài học chuyên môn, Bình còn dạy họ cách để sống tự tin với niềm đam mê thể thao, cách vượt qua khó khăn để không đầu hàng số phận, cách để vươn lên khẳng định chính mình, với mong muốn họ sẽ sống một cuộc đời không hối tiếc dù bản thân là người khiếm khuyết.

Học trò của Bình, ngoài những em nhỏ, anh chị khuyết tật cũng có những người bình thường. Bình kể, lúc mới lập câu lạc bộ, anh tham gia huấn luyện cho khoảng 10 người khuyết tật đều bị bại liệt. Nhìn thấy sự quyết tâm của các bạn, anh như tìm thấy lại chính mình ở những năm về trước. Cũng sự cố gắng ấy, cũng đam mê ấy, cũng nghị lực ấy, họ từng ngày tập luyện để mong sẽ không trở thành gánh nặng cho gia đình và khẳng định bản thân đã sống những tháng ngày có ích. Trong vai trò là HLV, Bình luôn cố gắng hết sức có thể để "trò” tiếp cận bộ môn một cách dễ hiểu và tạo được sự đam mê với nó.

Nổi bật trong nhóm học trò "đặc biệt" ấy là chị Huỳnh Thị Hạnh. Trong năm 2023, cả thầy và trò đều không giấu được sự vui mừng khi chị Hạnh đạt được 3 HCV, 1 HCB Giải vô địch bắn cung người khuyết tật toàn quốc. Cũng trong khoảng thời gian này, TPHCM tổ chức giải vô địch bắn cung dành cho người bình thường; được sự đồng ý của thầy Nguyễn Quốc Tuấn (Trưởng bộ môn bắn cung TPHCM), Bình mạnh dạn đăng ký cho chị Hạnh tham dự để tạo điều kiện cho "trò” được cọ sát cũng như rèn luyện thêm tinh thần thi đấu. Và cuối cùng, chị Hạnh đã đạt HCV nội dung bắn cung 3 dây nữ.

Ngoài làm HLV CLB bắn cung dành cho người khuyết tật, Bình còn tham gia hướng dẫn một nhóm sinh hoạt bộ môn cầu lông hàng tuần tại CLB cầu lông Tân Sơn. Trong vai trò nào, anh cũng cố gắng để các học viên "đặc biệt" cảm thấy đây là một sân chơi thật sự bổ ích để sống vui, sống khỏe mỗi ngày.

Cứ thế, đã hơn 2 năm trôi qua, thầy và trò vẫn ríu rít trò chuyện và tập luyện đều đặn theo định kỳ. Đối với Bình, tất cả đều là những kỷ niệm đẹp khi không có khoảng cách trong quá trình tập luyện, mà khoảnh khắc nào cũng vui vẻ vì thầy và trò luôn biết cách động viên nhau để cùng cố gắng đạt được nhiều thành tích tốt cho thể thao khuyết tật nước nhà.

Tuy nhiên, cũng như nhiều bộ môn thể thao khác, thầy Bình cũng có nhiều trăn trở, bởi đa phần các VĐV người khuyết tật đều có hoàn cảnh rất khó khăn vì phải lo chuyện mưu sinh cho cuộc sống hàng ngày, do đó việc duy trì hoạt động cho người khuyết cũng là một bài toán nan giải. "Chỉ mong sẽ có nhiều người chung tay hỗ trợ, sẻ chia để sân chơi cũng như sàn đấu dành cho người khuyết tật được duy trì lâu dài" - thầy giáo Bình nặng lòng chia sẻ.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang