(CAO) Bé trai 7 tuổi phải đối diện với nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như chèn ép tim và trung thất, cản trở chức năng hô hấp, viêm phổi nặng…
Không được may mắn như các bạn đồng trang lứa, bé N.M.B.Q. (7 tuổi, quê Đắk Lắk) sinh ra mang trong người 2 dị tật phối hợp: dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh khổng lồ và lõm ngực nặng.
Bé được gia đình đưa đến BV Nhi Đồng 2 TP.HCM thăm khám, qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện dị dạng nang tuyến phổi của bé rất lớn, chiếm gần hết phổi trái, đẩy lệch tim sang hẳn bên phải và tình trạng lõm ngực cũng rất nặng với chỉ số Haller là 4,5 (thông thường chỉ khoảng 3).
Bé trai bị lõm ngực nặng
Bé bị dị dạng nang tuyến phổi của bé rất lớn, chiếm gần hết phổi trái, đẩy lệch tim sang hẳn bên phải
Bệnh nhi này phải đối diện với nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như chèn ép tim và trung thất, cản trở chức năng hô hấp, viêm phổi nặng… nếu trì hoãn can thiệp sớm. Sau khi cân nhắc, hội chẩn nhiều khoa phòng và cuối cùng chọn lựa phương án tối ưu là mổ cùng lúc 2 dị tật cho bé, vừa cắt thùy phổi qua phương pháp nội soi vừa nâng ngực lõm cho bé sau khi cắt thùy phổi xong.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật
Bác sĩ cho biết bệnh nhi có tổn thương ở thùy dưới phổi trái rất to và viêm dính nhiều vào thành ngực khiến cuộc mổ trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với dự kiến.
Ca phẫu thuật diễn ra khoảng 4 giờ. Sau phẫu thuật, bệnh nhi ổn định, ăn uống tốt.
Theo Ths BS Vũ Trường Nhân, Phó khoa ngoại tổng hợp BV Nhi Đồng 2, dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh có tần suất vào khoảng 1/12000 còn dị tật lõm ngực có tần suất vào khoảng 1/1000. Tuy nhiên, hai dị tật phối hợp cùng một lúc thì rất hiếm. Trường hợp bệnh nhi này rất đặc biệt khi dị dạng nang tuyến phổi của bé rất lớn và tình trạng lõm ngực lại rất nặng.
(CAO) Khi phụ huynh phát hiện con mình có một lõm sâu giữa lồng ngực thì nên đưa con trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.