Kỳ cuối: Hiểm họa từ "hóa chất vĩnh cửu" trong hàng dệt may

Thứ Sáu, 05/01/2024 09:18

|

(CATP) Dệt may là ngành gây ô nhiễm thứ 2 trên hành tinh, chỉ sau dầu mỏ. Mỗi năm, lĩnh vực này tạo ra giá trị sản phẩm thu về hàng nghìn tỷ USD, nhưng nghiên cứu của Tổ chức phi lợi nhuận Silent Spring Institute (SSI - Mỹ) từng phát hiện "hóa chất vĩnh cửu" có trong gần 60% hàng dệt may dành cho trẻ em, với hơn 9.000 hợp chất trong quần áo, vỏ gối, chăn màn... dù được dán nhãn "thân thiện với môi trường" nhưng vẫn chứa hợp chất PFAS độc hại.

Dán nhãn "thân thiện với môi trường" nhưng chứa PFAS

Dù là hàng hóa cao cấp bày bán trong siêu thị hay những mớ hàng xôn được sale bên đường, những hóa chất độc hại ẩn chứa trong trang phục thường ngày vẫn khó thể tránh khỏi. Riêng đối với trẻ em, những loại hóa chất được phóng thích trong quá trình giặt ủi quần áo thường gây ngứa ngáy, thậm chí dẫn đến sốc phản vệ do "hội chứng nhạy cảm đa hóa chất" khi các độc chất này ảnh hưởng đến da, giảm phản ứng với vắc-xin ở trẻ...

Khi phân tích về ảnh hưởng của ngành dệt may, nhiều người thường chỉ quan tâm đến tình trạng ô nhiễm do hoạt động sản xuất và chất thải tạo ra, mà ít biết về "tác động ngầm" của các hợp chất hóa học có trong vải, xâm nhập vào cơ thể khi tiếp xúc với da, thậm chí lan đến máu và các cơ quan khác. Theo các chuyên gia, formaldehyde giúp giảm nhăn, trong khi phthalate làm mềm vải, kim loại nặng hỗ trợ tạo màu... Danh sách hóa chất có thể tìm thấy trong quần áo mặc hàng ngày gồm hàng trăm nguyên tố hóa học và ngày càng có nhiều bằng chứng về tác dụng của những chất đó, chẳng hạn như dị ứng, ung thư, béo phì hoặc thay đổi nội tiết tố: cường giáp, tiểu đường...

Mọi việc bắt đầu thay đổi vào thập niên 70 của thế kỷ XX, khi khai thác dầu mỏ giúp tạo ra cuộc "cách mạng hóa" liên quan đến vải polyester như Tergal, Dacron. Vải polyester có nguồn gốc từ cùng loại nhựa PET (polyethylene terephthalate) dùng để sản xuất... hộp đựng thức uống! Cùng thời gian đó xuất hiện vải nylon, cellulose tổng hợp và nhiều loại vải khác, hầu hết có nguồn gốc từ dầu. Thành phần cấu tạo vải sợi là vậy, còn muốn tạo cảm giác thoải mái, không ngứa ngáy thì càng phải... gia tăng hóa chất!

Từ năm 2017, các chuyên gia phát hiện thêm nhiều thành phần mới trong ngành dệt may; quần áo thể thao chứa đầy hạt nano bạc giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn xơi mồ hôi của chúng ta thải ra và biến đổi nó nên mới phát ra mùi. Ngoài ra, các hợp chất perfluorinated cũng có thể khiến trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc thận bị ảnh hưởng cũng như liên quan đến vô sinh.

Cũng theo SSI, "hóa chất vĩnh cửu" PFAS có trong 54/93 sản phẩm được khảo sát, bao gồm 21 loại sản phẩm với xác nhận "hữu cơ” hoặc "không độc hại", gần 20 sản phẩm chứa nhiều loại PFAS, gồm cả PFOA với độc tính cao bị các cơ quan quản lý và ngành công nghiệp loại bỏ.

PFAS trong quần áo có thể xâm nhập cơ thể người qua một số ngả: Trước tiên là tách khỏi sản phẩm, sau đó lơ lửng trong không khí và được hít vào phổi hoặc hấp thụ qua da... Trong khi thận là cơ quan dễ bị tổn thương, nhất là với trẻ em, mà các "hóa chất vĩnh cửu" lơ lửng trong không khí lại đi vào máu và lọc qua thận.

Chất thải từ ngành công nghiệp dệt may gây ô nhiễm môi trường

Người tiêu dùng có ít sự lựa chọn

Theo các chuyên gia may mặc, thời trang phát triển quá nhanh khiến hàng dệt may cũng sẽ bị đào thải tương tự. Càng đáng lo hơn khi tác hại mà quần áo gây ra cho cơ thể thường không biểu hiện cho đến khi chúng gây ra căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, cường giáp cùng nhiều vấn đề vô sinh do rối loạn nội tiết, vì ảnh hưởng của hóa chất mỗi ngày quanh ta. Một nghiên cứu do Trung tâm sức khỏe môi trường công bố năm 2022 cho thấy, hàm lượng Bisphenol A trong tất do các thương hiệu nổi tiếng sản xuất (Adidas, New Balance, Reebok...) đã vượt quá giới hạn an toàn của bang California (Mỹ) quy định tới hơn... 30 lần!

Người tiêu dùng vẫn có thể tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng chất liệu 100% cotton và các loại sợi tự nhiên khác, đồng thời lựa chọn những thương hiệu được tiếp thị là bền vững và sinh thái; sử dụng thuốc nhuộm có nguồn gốc thực vật hoặc không vượt quá giới hạn quy định... Ngoài ra, cần hạn chế ủi quần áo vì việc này sẽ giải phóng chất độc và các sợi nhỏ thoát ra khỏi polyester.

Trước mức độ nguy hại của hóa chất PFAS, Thụy Điển đã phối hợp với Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Na Uy soạn thảo văn bản trình Cơ quan quản lý hóa chất Châu Âu (ECHA) phối hợp cấm PFAS ở phạm vi toàn châu lục trong trường hợp không cần thiết do có hại đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái. Theo các chuyên gia, để phòng bệnh do "hóa chất vĩnh cửu", cần giữ gìn sạch sẽ môi trường sống, không thải các chất độc hại dùng trong công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý vào môi trường; người tiêu dùng cần trở nên thông thái hơn, hạn chế sử dụng sản phẩm chứa hóa chất PFAS, trong đó có các loại vải không thấm nước...

Dự thảo đề xuất các công ty có thời gian từ 18 tháng đến 12 năm để tìm ra các chất thay thế phù hợp nếu "muốn cứu vãn thế hệ tương lai". Các sáng kiến nhằm hạn chế sử dụng PFAS cũng đang được thúc đẩy ở nhiều nơi trên thế giới; trong đó, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên thực hiện quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng hóa chất này từ năm 2020.

Còn tại Châu Âu, một báo cáo nghiên cứu đã yêu cầu sửa đổi các mục tiêu trong Quy định Reach (ban hành ngày 13/01/2023) của Liên minh Châu Âu (EU) về Luật Hóa chất, khi các cơ quan quản lý của EU phát hiện 17% trẻ em của "lục địa già” có nguy cơ tiếp xúc với các hợp chất nhóm PFAS, gây ra các bệnh về phát triển và sinh sản. Điều phối viên của nghiên cứu, TS Marike Kolossa-Gehring cho biết, hàng chục triệu tấn chất gây ung thư và ức chế sinh sản đã được tiêu thụ ở Châu Âu vào năm 2020.

Hầu hết quốc gia trên thế giới đều nhận thức được mối nguy từ PFAS, nhưng vì nhiều lý do nên mới chỉ dừng ở mức "khuyến cáo hạn chế" hoặc "cảnh báo" ít sử dụng. Lệnh cấm các hợp chất gây hại này đang vấp phải sự phản đối từ ngành công nghiệp hóa chất và các tập đoàn công nghiệp lớn ở "lục địa già”.

Kỳ 3: Cảnh báo nước mưa cũng nhiễm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang