Khi các cổ vật được "quy cố hương":

Kỳ cuối: Quan tài "Vàng" và quan tài "Xanh"

Thứ Sáu, 03/02/2023 17:17

|

(CATP) Vào tuần đầu của tháng 01-2023, tại thủ đô Cairo, Ai Cập đã diễn ra lễ hoàn trả chiếc quan tài cổ bằng gỗ dài gần 4m, được trang trí rất đẹp với tông màu sáng, chủ yếu là xanh. Chiếc quan tài này được cho là nơi an nghỉ của một vị thầy tu Ai Cập cổ đại sống trong khoảng từ lúc vị Pharaoh cuối cùng trị vì (năm 664 trước Công nguyên) tới thời của Alexander Đại đế (332 trước Công nguyên).

Hai cuộc trao trả cổ vật

Từ năm 2013 đến nay, chiếc quan tài gỗ tuyệt đẹp này được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học tự nhiên ở TP.Houston, bang Texas, Mỹ. Tuy nhiên, thực tế là 15 năm trước đó, những tên trộm cổ vật thuộc mạng lưới đa quốc gia đã đánh cắp nó từ Abu Sir Necropolis nằm bên bờ sông Nile, gần thành phố cổ đại Memphis. Ban đầu đây là nơi chôn cất các vị Pharaohs thuộc triều đại thứ V kéo dài từ năm 2613 tới 2494 trước Công nguyên. Trong thời hiện đại, Abu Sir Necropolis bị đóng cửa với du khách suốt một thời gian dài. Chiếc quan tài được đưa tới Đức khoảng năm 2008, sau đó bán cho 1 nhà sưu tập cá nhân tại Mỹ trước khi đến tay Bảo tàng Houston. Vào thời điểm trao trả quan tài "Xanh" cho Ai Cập, các chuyên gia định giá khoảng 1 triệu USD.

Những tên trộm cổ vật đánh cắp chiếc quan tài "Xanh" dường như có niềm đam mê với các quan tài xác ướp Ai Cập. Cũng chính những đối tượng này vào năm 2011 đã tranh thủ tình trạng hỗn loạn tại Ai Cập khiến chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ để trộm chiếc quan tài "Vàng" và nhanh chóng đưa nó khỏi Ai Cập, cũng theo tuyến Ai Cập - Châu Âu - Mỹ.

Chiếc quan tài "Vàng" được cho là nơi đặt xác ướp của một vị thầy tế người Ai Cập cổ đại tên Nedjemankh, sống trong khoảng năm 150 đến 50 trước Công nguyên. Đây là môn đệ cao cấp của Thần Heryshaf mình người đầu cừu - vị thần tương tự các thần Heracles hay thần Dionysos của Hy Lạp.

Quan tài "Xanh"

Được định giá 4 triệu USD, chiếc quan tài "Vàng" là một tuyệt phẩm với chiều dài 181cm, rộng 53cm, cao 28cm, chế tạo từ thứ bìa cứng làm từ vải lanh, keo và lớp sơn lót cổ tên gesso; các vật liệu khác gồm sơn màu, vàng, bạc, cao su thiên nhiên, kính, gỗ, đồng thau... Giá trị nghệ thuật của chiếc quan tài "Vàng" nằm ở những bức tranh và các chỉ dẫn viết trên đó hướng dẫn vị tư tế trên con đường dẫn tới cuộc sống vĩnh hằng.

Thủ phạm hai vụ trộm là một

Năm 2017, Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (MET) ở New York mua chiếc quan tài "Vàng" từ một nhà buôn đồ cổ ở Paris (Pháp), trong hồ sơ giới thiệu về lịch sử của nó có giấy phép đưa ra khỏi Ai Cập tới Thụy Sĩ cấp năm 1971. Thậm chí Bảo tàng MET còn tin rằng vào thời điểm họ mua chiếc quan tài "Vàng", nó vẫn nằm trong bộ sưu tập của gia đình Habib Tawadrus - một nhà buôn cổ vật từ năm 1936.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 năm sau, các công tố viên New York thông báo cho bảo tàng rằng giấy tờ về chủ quyền của chiếc quan tài "Vàng" là giả và nó bị đánh cắp vào năm 2011 ở Minya, nằm cách thủ đô Cairo 240km về phía Nam. Sau đó nó được chuyển qua Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Đức, Pháp và sang Mỹ.

Quan tài "Vàng"

Trước các chứng cứ về nguồn gốc bất hợp pháp trong việc mua bán quan tài "Vàng", năm 2019 nó bị thu giữ và được trả về cho Chính phủ Ai Cập.

Thủ phạm của các vụ buôn bán bất hợp pháp quan tài "Xanh" và quan tài "Vàng" là một băng nhóm. Tháng 8-2022, một thẩm phán ở Paris đã ban hành lệnh bắt giữ có hiệu lực toàn Châu Âu đối với 4 nhà buôn cổ vật sống tại Hamburg - Đức: Roben Dib, người Đức gốc Lebanon, chủ một phòng tranh, đang chờ hầu tòa về tội lừa đảo có tổ chức và rửa tiền; Serop Simonian cùng 2 con (Simonian là một nhà buôn Đức gốc Armenia được cho là giữ vai trò chủ chốt trong nhiều vụ buôn bán trái phép cổ vật từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi cho MET và cả Bảo tàng Louvre Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất theo thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu với Bảo tàng Louvre nổi tiếng của Pháp).

Việc hợp tác quốc tế điều tra về băng đảng Dib-Simonian đang được tiếp tục, trong khi cả cựu Giám đốc Bảo tàng Louvre giai đoạn 2013 - 2021 cũng bị cáo buộc vướng vào đường dây buôn lậu cổ vật.

Kỳ 4: Tượng thần
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang