(CAO) Hôm 22-10, CNN đưa tin Mỹ đã 'hụt hơi' trong cuộc chạy đua với Trung Quốc và Nga để phát triển vũ khí siêu thanh khi vụ thử mới nhất của họ thất bại, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố hôm 21-10 (giờ địa phương).
Một ống phóng tên lửa đẩy, vốn là tên lửa được sử dụng để tăng tốc quả đạn lên tốc độ siêu thanh đã thất bại và việc thử nghiệm quả đạn thân lướt siêu thanh, không thể tiến hành, tuyên bố cho biết.
Do thử tên lửa thất bại nên Lầu Năm Góc đã không thể thử nghiệm phần thân lướt siêu thanh. Đây là thành phần quan trọng cần thiết để phát triển vũ khí siêu thanh.
Các quan chức đã bắt đầu xem xét lại cuộc thử nghiệm, diễn ra hôm 21-10 tại Khu phức hợp cảng vũ trụ Thái Bình Dương ở Kodiak, bang Alaska để tìm hiểu nguyên nhân của sự cố ở bộ tăng áp.
"Các thí nghiệm và thử nghiệm - cả thành công và không thành công - là xương sống của việc phát triển các công nghệ quan trọng, phức tạp với tốc độ khủng khiếp, như bộ phận đang làm với các công nghệ siêu thanh" - Tim Gorman - phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói trong một tuyên bố.
Lầu Năm Góc đã đưa việc phát triển vũ khí siêu thanh trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của mình, đặc biệt là khi Trung Quốc và Nga đang nỗ lực phát triển các phiên bản loại vũ khí này của riêng họ.
Thất bại này là một đòn giáng vào nỗ lực của Mỹ sau một cuộc thử nghiệm cũng không thành công vào tháng 4 và diễn ra vài ngày sau khi có thông tin rằng Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một phương tiện lướt siêu thanh.
Các nước đang chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh
Di chuyển với tốc độ Mach 5 hoặc nhanh hơn, vũ khí siêu thanh rất khó bị phát hiện, đặt ra thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa. Tên lửa siêu thanh có thể di chuyển ở quỹ đạo thấp hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo có thể dễ dàng bị phát hiện. Hệ thống siêu thanh cũng có thể cơ động và né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Cuối tuần qua, tờ Financial Times đưa tin Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một phương tiện bay siêu thanh có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Mặc dù Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo, nói rằng cuộc thử nghiệm này là một "thí nghiệm tàu vũ trụ thông thường” nhưng Mỹ vẫn tiếp tục bày tỏ quan ngại.
Các quan chức quốc phòng cho biết họ đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc phát triển các loại vũ khí siêu thanh vì chúng có thể cho phép Bắc Kinh tiến hành một cuộc tấn công né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Hai tuần trước, Nga cũng tuyên bố lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm, được đặt tên là Tsirkon. Đầu mùa hè này, Nga cho biết họ đã phóng tên lửa tương tự từ một tàu chiến.
Mỹ trong khi đó đang tập trung vào các loại vũ khí siêu thanh thông thường được trang bị trên tàu, trên bộ và trên không.
Cả ba 'ông lớn' đang tạo ra một 'cuộc đua tam mã' phát triển loại vũ khí này để dằn mặt lẫn nhau.