(CAO) Nga sẽ chuyển giao các hệ thống tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho đồng minh Belarus trong những tháng tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.
Theo Điện Kremlin, ông Putin nói với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về việc chuyển giao tên lửa này.
Ngày 24-2, Nga tiến hành cuộc tấn công Ukraine một phần từ lãnh thổ Belarus, quốc gia có biên giới với Ukraine về phía bắc.
Hôm 25-6, Ukraine tuyên bố các lực lượng Nga đã bắn nhiều tên lửa vào các khu vực Kyiv, Chernihiv và Sumy từ Belarus.
Trong bản ghi lại cuộc gặp, Lukashenko bày tỏ với Putin "sự căng thẳng" của ông về điều mà ông cáo buộc là các chuyến bay của Mỹ và NATO "huấn luyện mang đầu đạn hạt nhân" gần biên giới Belarus.
Ông yêu cầu Putin đáp lại bằng việc triển khai đến Belarus tên lửa "mang đầu đạn hạt nhân".
Putin cũng đề nghị Belarus có thể chuyển đổi máy bay Su-25 của mình để có khả năng hạt nhân.
"Việc hiện đại hóa này nên được thực hiện tại các nhà máy sản xuất máy bay ở Nga, nhưng chúng tôi sẽ thống nhất với các bạn về cách thực hiện. Và theo đó, hãy bắt đầu đào tạo đội bay" - ông Putin nói.
Iskander-M là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Nga chế tạo có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường với tầm bắn tối đa lên tới 500km (310 dặm), theo Janes Defense.
Vũ khí này sử dụng cả hệ thống dẫn đường quán tính và quang học để tấn công mục tiêu, tấn công chúng bằng nhiều loại đầu đạn, chẳng hạn như bom chùm, bom chân không, bom phá boongke và đầu đạn xung điện từ (EMP).
Iskander-M được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2008 trong cuộc xung đột Nga-Gruzia.
Nga và Belarus gia tăng hợp tác diễn ra chỉ một tuần trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Châu Âu.
Nga cam kết đưa tên lửa có khả năng mang đước đầu đạn hạt nhân nên Belarus - Ảnh: Getty
Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, Liên minh Châu Âu và nước chủ nhà Đức sẽ nhóm họp từ ngày 27-6.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới và hỗ trợ quân sự cùng với các đồng minh châu Âu trong chuyến thăm của ông tới Đức và Tây Ban Nha. Cả hai hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO sẽ nghe ý kiến từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người tiếp tục kêu gọi Mỹ và các nước khác giúp đỡ nhiều hơn.
Zelensky trước đó cho rằng "các gói trừng phạt chống lại Nga là không đủ" và kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp cho Ukraine "hỗ trợ vũ trang" nhiều hơn.
Ông nói: “Các hệ thống phòng không - những hệ thống hiện đại mà các đối tác của chúng tôi có - không nên ở các khu vực huấn luyện hoặc kho chứa, mà là ở Ukraine, nơi chúng đang cần đến”.
Trong khi đó, quân đội Ukraine hôm 25-6 xác nhận họ đã bắt đầu sử dụng Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần (MLRS) tiên tiến do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu của Nga. Tổng tư lệnh Ukraine Valerii Zaluzhnyi đã đăng một đoạn video mà ông cho biết cho thấy Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay còn gọi là HIMARS, phóng tên lửa vào ban đêm tại một địa điểm không xác định.